-----
Opera-Trangphattu—Nghệ Thuật-Văn Học—Phật Giáo Hiện Đại

1 thg 1, 2010

Tranh—Cuộc Đời Đức Phật (tt-1)

.......
Quay lại Trang trước



038-Ma quân Uy hiếp

Ma Vương đến quấy nhiễu. Bồ Tát chiến thắng Ma Vương dưới cội cây Bồ Đề.

Cố ngăn cản Bồ tát thành Phật, nên khi Bồ tát đang ngồi trên ngôi bồ đoàn quý báu dưới gốc cây Bồ đề và Ác Ma thiên cỡi voi Girimekhala hung dữ cùng dẫn Ma quân đến thách thức, uy hiếp Ngài. Ác Ma thiên cố gắng dành ngôi bồ đoàn quý báu trước khi Ngài đạt được sự giác ngộ. Nhờ sức kiên định và đã tu tập pháp Thập độ nhiều kiếp nên Ngài dễ dàng nhiếp phục được Ma Vương.

039-Ma nữ Chướng ngại.

Ba nàng công chúa của Ma Vương cố dùng mỹ nhân kế để lôi cuốn Đức Phật, nhưng cuối cùng họ cũng thất bại hoàn toàn.

040-Chứng Vô Thượng Chánh Giác.

Vào ngày Vesak trăng tròn, tháng Tư âm lịch, 588 trước Công nguyên, Bồ tát Siddhattha ngồi dưới cội cây Bồ đề tại Gaya, và chứng đắc Giải thoát tối thượng.

Vào canh một, Ngài chứng đắc Túc mạng minh, Ngài có khả năng nhớ rõ tiền kiếp.
Vào canh hai, Ngài chứng đắc Thiên nhãn minh, Ngài có thể nhìn thấy tương lai, biết rõ sự tử, sự sanh của mỗi chúng sinh do bởi nghiệp-quả nào.
Vào canh ba, Ngài diệt đoạn tuyệt vô minh, chứng đắc Lậu tận minh và trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

Sau 49 ngày thiền định, mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu, Bồ tát Tất-đạt-đa đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35. Từ thời điểm đó, Bồ tát biết mình đã là một bậc Giác ngộ (Tỉnh thức–Buddha–Phật), và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh trong sanh tử luân hồi.

041-Long vương Hộ pháp.

Ðức Phật rời cây Ajapala đến cây Mucalinda và ngồi thiền định tại đây một tuần-lễ nữa để chứng nghiệm hạnh-phúc giải-thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to đổ xuống. Mây kéo tới đen nghịt và gió lạnh thổi suốt nhiều ngày. Lúc ấy Rắn thần Mucalinda từ trong hang chui ra, lấy mình quấn bảy vòng xung quanh Ðức Phật, và phùng mang lớn ra che trên đầu ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động tới thân ngài. Ðến cuối ngày thứ bảy, trời quang mây tạnh, Mucalinda tháo mình trở ra, rồi biến thành một thanh niên đứng chấp tay trước mặt Như Lai.

Có tích cũng nói rằng:
Từ dòng sông Ni Liên Thiền, khi Ngài trở lại gốc cây Tất Bát La, dùng cỏ Cát Tường lót làm tòa ngồi. Ngài ngồi tư thế kiết già mà phát đại nguyện rằng:
-"Dù cho thịt nát xương tan, nếu không tìm ra chánh đạo, ta quyết không rời khỏi cội cây này".
Long Thần cũng hiện thân che mưa chắn gió cho Ngài khi Ngài nhập định.

042-Phạm Thiên thỉnh Phật Chuyển Pháp Luân.

Sau khi chứng quả, Đức Phật quán sát căn tánh chúng sanh nơi cõi nhân gian căn lành ít, bướng bỉnh khó giáo hóa, thấy khổ nhưng không muốn thoát khổ, chưa đủ lòng tin để tiếp nhận giáo pháp. Khi ấy Trời Đại Phạm hiểu thấu ý Phật, nên đến dâng hoa cúng dường, ân cần cầu thỉnh Đức Phật thuyết pháp hóa độ chúng sinh. Cảm lòng thành khẩn của vua Trời Đại Phạm, Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu.

Khi vị Phạm-thiên cung thỉnh lần thứ ba, đức Thế-tôn dùng Phật-nhãn quán-sát thế-gian. Ngài nhận thấy rằng có kẻ ít người nhiều cát bụi trong mắt, người thông-minh sáng-suốt, kẻ mù-mịt tối-tăm, bẩm tánh người này tốt, người kia xấu, có chúng sanh khó dạy, cũng có chúng sanh dễ dạy, và có một số ít khác nhận thức được hiểm-họa của tội-lỗi và đời sống. Cũng như trong hồ sen, có sen xanh, đỏ, trắng, vàng lẫn-lộn. Có cây sanh dưới nước, lớn lên dưới nước, và sống suốt đời dưới nước; có cây sanh dưới nước, lớn lên trong nước, và sống trưởng thành trên mặt nước; có cây sanh dưới nước, lớn lên trong nước, và sống trưởng thành nhô lên khỏi mặt nước, không vướng chút bùn nhơ. Sau khi quán-sát, Ðức Phật tuyên-bố với vị Phạm-thiên rằng:
-Này Sahampati, cửa Vô Sanh đã rộng mở, để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin. Này Sahampati, vì nhận thấy chúng sanh còn quá thấp kém nên trước đây Như-Lai chưa quyết định truyền dạy Giáo- pháp vô thượng.
Vị Phạm-thiên Sahampati vô cùng mừng rỡ đã thỉnh cầu được Ðức Phật hoằng dương Chánh-pháp, liền đảnh lễ tạ ơn ngài, đi nhiễu quanh ngài, rồi rút lui.

043-Thương nhân Tapussa và Ukkalapa.

Vào tuần thứ bảy sau khi đạt được sự Giác ngộ, hai anh em thương gia Tapussa và Ukkalapa đi ngang qua chỗ Đức Phật ngồi và thấy Ngài. Họ cúng dường ngài lương thực dự trữ của họ (những chiếc bánh mật), và rồi Đức Phật cho họ tám sợi tóc trên đầu của Ngài như là những vật linh thiêng để tôn thờ. Xá lợi tóc ngày nay được tôn trí tại chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar.

Hai thương buôn tên Tapussa và Bhallika cúng dường Đức Phật bữa cơm và họ là hai người quy y nhị bảo đầu tiên.

044-Vị Đạo sĩ vô Duyên-Phúc.

Rồi ngài nghĩ đến năm vị đạo-sĩ rất tinh-tấn, đã từng tận tâm phục-vụ ngài trong sáu năm dài tu khổ hạnh. Ngài dùng thiên-nhãn quan-sát, nhận thấy năm vị là Kondanna, Bhaddiya, Vappa, Mahanama-Kulika và Assaji hiện đang ở tại Lộc-Uyển (Vườn Nai, Migadava), trong làng Isipatana (hiện nay là Sarnath), cách thành phố Benares (hiện nay là Varanasi) 10km về phía bắc.
Ngài lên đường đi Lộc-Uyển.

Trên đoạn đường từ Bồ-Ðề Ðạo-Tràng (Bodhgaya) đến Gaya, có một đạo-sĩ khổ hạnh tên Upaka gặp Phật, hỏi:
-Này đạo hữu, ngũ quan của đạo hữu thật thanh tịnh, nước da của đạo hữu thật tươi sáng. Ðạo hữu xuất gia với ai? Thầy của đạo hữu là ai? Ðạo hữu truyền-bá Giáo-pháp của ai?
-Ðức Phật đáp bằng bài kệ:
Như-Lai đã vượt qua tất cả, đã thông suốt tất cả.
Ðã thoát ly tất cả mọi ràng buộc,
Từ bỏ tất cả, không còn ái nhiễm,
Tự mình thấu hiểu tất cả, còn gọi ai là thầy?

Như-Lai không có thầy,
Không ai bằng Như-Lai.
Trên thế-gian và kể cả chư thiên,
Không ai có thể sánh với Như-Lai.
Như-Lai là một vị A-la-hán trên thế-gian này,
Là một vô thượng sư;
Tự mình thành bậc Toàn Giác,
Tâm vắng lặng và thanh-tịnh.
Như-Lai đang trên đường đến xứ Kasi
Ðể chuyển bánh xe Pháp;
Và giữa thế-giới người mù,
Như-Lai sẽ gióng trống Vô-sanh.

-Này đạo hữu , đạo-sĩ Upaka hỏi vặn, vậy phải chăng đạo-hữu đã tự nhận mình là A-la-hán, là bậc quyền-lực siêu-phàm?
-Đức Phật đáp:
Các bậc siêu-phàm đều giống Như-Lai,
Ðều đã tận diệt mọi ô nhiễm,
Khắc-phục tất cả những điều xấu-xa tội-lỗi.
Thế nên, này Upaka, Như-Lai là bậc siêu-phàm.

-Có thể như vậy được sao? Có thể như vậy được sao? Upaka cúi đầu lẩm-bẩm, rồi đi rẽ sang đường khác trong khi đức Phật tiếp tục đi về hướng bắc. Ðức Phật vẫn bình-thản lên đường đi Gaya, rồi đi từ Gaya đến Benares, từ Benares đến Isipatana, rồi tìm đến Lộc-Uyển (Migadava).

Vì không tin nên vị này đã bỏ lỡ cơ hội học pháp của mình từ 1 đấng giác ngộ vô thượng.

045-Phật độ 5 anh em Kiều Trần Như.

Đức Phật lên đường đi Benarès. Tại đây, ở vườn Nai gần Benarès, Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho 5 người bạn đồng tu ngày trước của mình. Sự kiện đáng ghi nhớ này diễn ra vào một ngày trăng rằm, đúng hai tháng sau Đức Phật thành đạo.
Ngài thuyết giảng Tứ diệu đế ( khổ ,tập ,diệt, đạo) cho 5 anh em Kiều Trần Như.

Tại vườn nai ở Varanasi, Đức Phật gặp năm nhà tu khổ hạnh Kondanna, Vappa, Bhaddiya, Mahanama và Assaji. Ngài đã biết họ từ trước. Ngài thuyết bài Pháp đầu tiên cho họ.
Thầy tu khổ hạnh Kondanna đã là người đầu tiên thấy được ánh sáng của Pháp bảo và đắc quả Dự lưu. Kondanna là vị Bà la môn trẻ nhất tham dự buổi lễ đặt tên cho Đức Phật khi còn là một Hoàng tử mới đản sanh. Sau đó, cả năm vị đều đắc Thánh quả A la hán sau khi nghe Đức Phật thuyết bài Kinh Anatalakkhana (Kinh Vô ngã tướng).

Đức Phật bắt đầu giảng pháp bằng cách trình bày con đường dẫn đến kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát.
Trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, Đức Phật giảng Tứ diệu đế, Duyên khởi và quy luật Nhân quả (Nghiệp). Tại vườn Lộc uyển ở Sarnath gần Ba-la-nại (Benares hay Varanasi), Đức Phật bắt đầu “Chuyển Pháp Luân” với những bài giảng đầu tiên.
Năm anh em Kiều Trần Như sau khi được Đức Phật khai sáng về con đường tu học của mình đã trở thành năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật và là hạt nhân đầu tiên của Tăng-già.

046-Phật độ Công tử Da Xá.

Giáo hóa ông Yasa (Ya Xá)
Gần Benarès, có con trai của một người triệu phú tên là Yasa. Chán cuộc đời xa hoa phú quí tầm thường vô vị của thế gian, chàng tìm đến đức Phật; sau khi nghe pháp đã xin xuất gia và chẳng bao lâu chứng quả vị A La Hán.

Yasa đến nơi vào sáng sớm, lúc Ðức Phật đang đi kinh hành. Hôm ấy nhằm ngày thứ sáu sau khi Ðức Phật chuyển pháp luân.
Ðức Phật bắt đầu giảng về hạnh bố thí (dana), giới hạnh (sila), những cảnh trời (sagga), những tai hại của nhục dục ngũ trần (kamadinava), phước báo của đởi sống xuất gia (nekkhamma-nisamsa). Ðến khi nhận thấy tâm của Yasa bắt đầu thuần thục và sẵn sàng lãnh hội giáo lý cao siêu, ngài giảng về Bốn Thánh Ðế. Sau khi nghe Ðức Phật giảng xong, ông Yasa liền đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna).
Đức Phật thuyết pháp cho công tử Yasa. Ngay sau đó và tiếp mấy ngày sau Ngài cho Yasa và 4 người bạn xuất gia.

Với đại đức Yasa, tổng số các vị đệ tử xuất gia vào ngày thứ sáu sau khi Phật chuyển pháp luân là sáu vị: Kondanna (Kiều-Trần-Như), Bhaddiya (Bạt-Ðề), Vappa (Bà-Phạm) còn gọi là Dasabala-Kassapa (Thập-Lực Ca- Diếp), Mahanama-Kulika (Ma-Ha-Nam Câu-Lỵ), Assaji (Át-Bệ) và Yasa (Da-Xá). Tất cả đều đắc quả A-la-hán.

047-Cả nhà Da xá Quy y Tam bảo.

Cha mẹ vợ con của Yasa là những người quy y Tam Bảo đầu tiên.

Nhà triệu phú, cha Da xá đi về hướng Isipatana tìm con trai và tìm đến nơi. Ðức Phật giảng cho ông một thời pháp. Ông rất hoan hỷ và xin quy y Tam Bảo.
Ðức Phật chấp nhận và truyền ban năm giới. Cha ông Yasa là người thiện nam (upasaka) đầu tiên thọ lễ quy y với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo: Phật-Pháp-Tăng.

Khi nghe Ðức Phật thuyết pháp cho cha xong, ông Yasa đắc quả A-la-hán.
Vừa lúc ấy Ðức Phật thâu thần thông để cho nhà triệu phú nhìn thấy con. Ông lấy làm vui mừng, thỉnh Ðức Phật cùng các vị đệ tử về nhà trai tăng ngày hôm sau. Ðức Phật chấp nhận bằng cách làm thinh.
Sau khi ông triệu phú ra về, ông Yasa xin Ðức Phật cho thọ lễ xuất gia. Ðức Phật làm lễ xuất gia cho ông Yasa.

Ngày hôm sau Ðức Phật đến nhà ông triệu phú với sáu vị đệ tử A-la-hán. Mẹ và vợ của ngài Yasa đến nghe Ðức Phật thuyết pháp, đắc quả Tu-đà-hoàn, xin thọ lễ quy y Tam Bảo. Hai bà là hai người tín-nữ (upasika) đầu tiên.

048-Bạn bè Yasa cũng Xuất gia.

Ðại đức Yasa có bốn người bạn thân tên Vimala, Subahu, Punnaji và Gavampati. Khi bốn vị này nghe tin người bạn quý của mình đã cạo râu tóc và đắp y để sống đời không nhà cửa, không sự nghiệp, thì đến thăm và tỏ ý muốn noi theo gương lành ấy. Ðại đức Yasa tiến dẫn cả bốn vị vào yết kiến Ðức Phật.
Sau khi nghe Phật thuyết pháp cả bốn vị đều đắc quả A-la-hán và đều xin xuất gia theo Ngài.
Vậy là đến ngày thứ bảy, sau thời pháp đầu tiên tại Lộc Uyển, tổng số đệ tử Phật lên đến mười vị, đều đắc quả A-la-hán.

Về sau đó, 50 người bạn khác của ông Yasa, tất cả đều thuộc các gia đình nổi tiếng nhứt trong vùng, cũng đến nghe Phật thuyết pháp, đắc quả A-la-hán và xin xuất gia tỳ-kheo, nâng số đệ tử Phật lên 60 vị, đều là bậc A-la-hán cả.

049-Đoàn 60 vị Tăng sĩ Hoằng pháp đầu tiên.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đã có 60 người đệ tử đều là A La Hán. Ngài quyết định đưa họ đi khắp nơi để truyền bá chánh pháp. Trước khi họ lên đường, Ngài đã động viên, kêu gọi các đệ tử rằng:
-"Này các Tỳ kheo! Như Lai đã được giải thoát hết mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian (các cõi trời). Các ông cũng vậy.
Này các Tỳ kheo, hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngã, hãy truyền bá chánh pháp. Này các Tỳ kheo, chánh pháp toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn.
Hãy tuyên bố về cuộc sống toàn thiện và thanh tịnh.
Chính Như Lai cũng đi, Như Lai sẽ đi về hướng Uruve là ở Sanànigàma để hoằng dương giáo pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ".

Nhân đó đức Phật cũng chỉ ra một nghi thức để thâu nhận giới tử:
Cho giới tử cạo sạch râu tóc, mặc áo cà-sa, rồi theo nghi lễ quỳ xuống trước mặt vị tỳ-kheo truyền giới, chấp tay thành khẩn lập lại ba lần như thế này:
-"Con xin quy y Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời này.
-Con xin quy y Pháp, con đường của tình thương và sự giác-ngộ.
-Con xin quy y Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh-thức."
Rồi Như-Lai xác nhận với đại chúng:
-Quỳ đọc ba lần tam quy dưới chân một vị tỳ-kheo thì có thể trở nên một vị tỳ-kheo.

Ðức Phật rời vườn Lộc-uyển đi về phía Nam đến xứ Ưu-lầu-tần-loa và hàng phục một vị tổ sư rất có uy tín của Ðạo thờ Lửa là ông Ma-ha Ca-Diếp.

050-Hàng phục Rắn chúa thâu Ca Diếp.

Gần Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) có ba anh em Kassapa: Uruvela Kassapa, Nadi Kassapa và Gaya Kassapa. Ba anh em ông là những người có danh vọng lớn ở Magadha, đặc biệt là người anh cả Uruvela Kassapa; ông này thờ thần lửa và tự cho mình đã chứng quả A La Hán.
Một hôm, Đức Phật đến và xin ngủ trọ qua đêm và lại cố ý thu xếp cho Ngài ở căn phòng thờ thần lửa có một con rắn chúa rất độc và dữ tợn. Đức Phật đã hàng phục con rắn thiêng này, ngoài suy nghĩ của ông Uruvela Kassapa.
Tin rằng chính Đức Phật là người đã chứng quả Thánh, chứ không phải là mình, ba anh em ông Kassapa và hơn 1.000 đệ tử đều xin xuất gia theo Ngài.

051-Phật độ Uruvela Kassapa và 500 đệ tử.

Hai ngày sau, Uruvela Kassapa và tất cả 500 đệ tử đều cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, rồi tập họp trước mặt Phật và xin xuất gia theo Ngài.

052-Uruvela Kassapa và 500 người Xuất gia.
...
Họ đã liệng xuống sông Nairanjana tất cả những búi tóc, hình tượng và dụng cụ tế lễ.

053-Phật độ Nadi Kassapa cùng 300 Đệ tử.

Ngày hôm sau, đạo sĩ Nadi Kassapa cùng 300 đệ tử cũng tìm đến nơi.
Hôm qua họ hốt hoảng khi thấy hàng trăm búi tóc và dụng cụ thờ cúng trôi lều bều trên sông Nairanjana; họ nghĩ rằng một tai nạn nào đó đã xảy ra cho trung tâm tu học của Uruvela Kassapa. Sau khi nghe giải thích họ đều đồng ý xin xuất gia và cho người đi thông báo cho ông Gaya Kassapa hay. Ba anh em Kassapa rất thương mến nhau, lại cùng chung lý tưởng nên chỉ trong bảy ngày, tất cả ba anh em và hơn 1000 đệ tử đều xuất gia theo đức Phật.

054-1000 Đệ tử Tỳ khưu.

Sau đó đức Phật hướng dẫn tất cả đến đỉnh núi Gaya-Sisa (núi Tượng Ðầu), cách Uruvela không xa, và giảng kinh thứ ba là kinh Adittapariyaya (kinh Lửa).
Nghe xong kinh này, tất cả 1000 vị tỳ-kheo mới đều đắc quả A-la-hán.

Ðức Phật cư trú tại Gaya-Sisa liên tiếp trong ba tháng để chỉ dạy cho các tu-sĩ mới.
Ngày rằm tháng 6 tại Kỳ Đà Cấp Cô Độc viên, Đức Phật truyền giới cho 1250 vị Thiện Lai tỳ khưu.
-Không làm điều ác, thực hiện các hạnh lành, giữ tâm ý trong, đó là lời Chư Phật dạy.

055-Phật độ cho Vua Bimbisàra.

Khi vừa thoát ly gia đình đi tầm đạo, Đức Phật có lúc đã ngụ tại Pàndavapabbata. Vua Bimbisàra (Tần Bà Sa La-Bình Sa Vương). Nhà vua trị vì nơi đây là Bimbisara lúc đó đã xin dâng cho Ngài nữa vương quốc, nhưng Ngài từ chối vì Ngài không còn muốn vướng bận đến những dục lạc của thế gian.
Đức vua xin Ngài hãy trở lại viếng thăm vương quốc Magadha (Ma kiệt đà) do vua cai trị, khi chứng đạo quả.

Nhớ lời hứa xưa, Đức Thế Tôn cùng trên 1.000 đệ tử A La Hán từ Gàya đến Ràiagaha (Vương xá), thủ phủ của vương quốc Magadha giàu mạnh, vào thành Vương-xá để độ cho vua. Vua Tần-bà-xa-la gặp lại Ngài, vui mừng khôn xiết. Và tại đây, sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng,, vua Bimbisàra hiểu được giáo pháp cao diệu liền chứng Sơ quả và xin quy y Tam bảo. Nhà vua quyết định dâng vườn thượng uyển Veluvana (Trúc Lâm ) cho Đức Phật và các đệ tử của Ngài, cùng dâng cúng tinh xá rộng lớn có tên là Veluvanaràma (Trúc Lâm tinh xá) gần thành Ràjagaha, để thỉnh Phật và chư Tăng ở lại thuyết Pháp độ sanh.
Có thể coi đây là tự viện đầu tiên ra đời, và vua Bimbisàra là vị thí chủ đầu tiên trong hàng vua chúa.

Tại tinh xá yên tĩnh những ày, Đức Phật và đại chúng đã nhập hạ một lần 3 năm liên tiếp và ba hạ khác, xa cách nhau.

056-Vua Bimbisara và Gia quyến.
Trong chuyến viếng thăm thành phố Rajagaha:
Vua Seniya Bimbisara cùng các triều thần và nhân sĩ ra tận ngọ môn đón Phật và tăng đoàn.
Sau đó, trên đường đi khất thực, Đức Phật cùng với các đệ tử của Ngài đã gặp vua Bimbisara và gia quyến. Họ quỳ xuống bày tỏ lòng tôn kính đối với Ngài và các vị đệ tử.

057-2 vị đại Đệ tử Thượng thủ.

Trong làng Upatissa (hiện nay là Kalapinaka) còn gọi là Nalaka, thuộc quận Nalanda, ở phía bắc thành Rajagriha, có một thanh niên rất thông minh tên Sariputta (Xá-Lợi-Phất), cha tên Tissa, mẹ tên Rupa-Sari.
Vì Sariputta nổi tiếng thông minh lại sanh trưởng trong gia đình quyền quý nhứt trong làng nên người trong vùng ấy gọi chàng là Upatissa. Sariputta có một người bạn chí thân tên Moggallana (Mục-Kiền-Liên), con bà Moggali (Thanh Ðề), ở làng Kolita (hiện nay là Kulika), bên cạnh làng Upatissa. Moggallana cũng rất thông minh và thuộc gia đình quyền quý nhứt trong làng nên có biệt danh là Kolita.
Hai người đang hẹn nhau đi tìm minh sư. Ông Sariputta đi về phương nam, còn ông Moggallana đi về phương bắc. Hẹn nhau khi gặp minh sư sẽ thông báo cho nhau biết để cùng đến học.

Một hôm, đang đi trong thành Rajagriha, ông Sariputta bỗng nhìn thấy đại-đức Assaji đang đi khất thực. Khi đại đức Assaji thọ thực xong, ông bèn đến bên cạnh bạch rằng:
-Kính bạch đại-đức, ngũ quan của ngài thật là trong sáng và thanh tịnh. Xin ngài hoan hỷ cho con biết vì sao ngài thoát ly thế tục? Ai là vị tôn sư của ngài? Ngài truyền bá giáo pháp của ai?

Nhân đó, đại đức Assaji đọc cho ông nghe tóm tắt bài kệ đức Phật thuyết:
Các pháp đều do nhân duyên sanh.
Như-Lai đã giảng giải rõ ràng như thế
Và chỉ cách chấm dứt các pháp.
Vị Ðại Sa-Môn dạy như thế.
Ông Sariputta vốn rất thông minh, vừa nghe xong hai câu đầu liền bừng ngộ và đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Từ đó về sau, để tỏ lòng biết ơn đối với đại-đức Assaji, mỗi khi nghe đại-đức Assaji ở nơi nào thì ông Sariputta quay về hướng ấy chấp tay đảnh lễ, và lúc ngủ luôn luôn quay đầu về hướng ấy.

Ðúng theo lời cam kết, Sariputta đi tìm Moggallana báo tin và đọc lại bốn câu kệ. Nghe xong ông Moggallana cũng đắc quả Tu-đà-hoàn. Hai ông liền đến thầy cũ là đạo-sư Sanjaya-Belatthiputta báo tin và mời thầy cùng đến thọ giáo với Phật. Ðạo-sư Sanjaya từ chối, nhưng có 155 đệ-tử của ông cùng theo hai ông Sariputta và Moggallana đến Venuvana (Trúc-lâm) xin thọ giáo với đức Phật.
Ðức Phật chấp nhận tất cả vào tăng đoàn với lời kêu gọi:
-"Etha, Bhikkhave!"
-"Hãy lại đây, các Tỳ-Kheo!
Hãy sống đời thánh thiện theo Chánh Pháp để chấm dứt mọi đau khổ.

Một tuần lễ sau, lúc đang ở gần làng Kallavala, đại-đức Moggallana được Phật dạy quán Tứ Ðại (đất, nước, gió, lửa), đắc quả A-la-hán. Ðến tuần thứ hai, khi nghe đức Phật thuyết kinh Vedana-Pariggaha cho đạo-sĩ Dighanakha ở động Sukarakhata, đại-đức Sariputta đắc quả A-la-hán.
Với cơ duyên lớn, Đức Phật đã triệu tập Tăng chúng và tuyên bố hai vị là Thượng thủ trong Tăng đoàn.
Từ đó, hai Ngài thường thay mặt Thế Tôn để hướng dẫn Tăng chúng. Đây là thời điểm đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo, dưới sự lãnh đạo của Đức Thế Tôn.

Kể từ đây số đệ-tử Phật lên đến 1250 vị, đều đắc quả A-la-hán.

058-Dư luận chống đối Phật tại Rajagriha.

Phật đến Rajagriha (Vương Xá) chưa đầy một năm mà danh tiếng ngài đã vang dội gần xa với sự thành lập tịnh xá Venuvana (Veluvana,Trúc Lâm), sự quy y Tam Bảo của vua Bimbisara, sự xuất gia của ba anh em ông Uruvela Kassapa, của Sariputta (Xá Lợi Phất), Moggallana (Mục Kiền Liên) và rất nhiều thanh niên trai tráng trong vùng.
Lục sư ngoại đạo mất sự ủng hộ của vua và quần chúng, bắt đầu chỉ trích và nói xấu Giáo đoàn:
-Sa môn Gotama đã mê hoặc quần chúng bằng một giáo pháp xa lạ làm cho cha mất con, không người nối dõi, vợ mất chồng, phải sống cô đơn, gia đình tan rã, ruộng vườn thiếu người canh tác.
Những người chống đối, mỗi khi gặp các khất sĩ, họ đọc lên bài vè sau đây:
Sa-môn Gotama
Ðến thủ đô Magadha
Lấy hết đệ tử của Sanjaya
Rồi sắp đến phiên ai nữa?
Các vị Tỳ kheo mỗi khi vào thành khất thực, nghe dư luận nói xấu trên và nghe đọc bài vè, lấy làm khó chịu, về bạch lại với đức Phật, xin Ngài có biện pháp đối phó. Ðức Phật bảo:
-Này các Tỳ kheo, các thầy chớ buồn phiền về những dư luận đó. Chỉ trong vòng bảy ngày những dư luận đó sẽ im bặt.
Nếu có ai đọc bài vè trên thì các vị hãy đọc bài kệ sau đây:
Thánh nhân Giác ngộ ra đời
Dạy Pháp cao thượng cho người;
Ai dám xầm xì chế nhạo
Thánh nhân truyền dạy Luật Trời?
Quả nhiên sau bảy ngày, dư luận trên không còn nữa.
Nhưng nhóm Lục sư ngoại đạo lần lượt rời thủ đô Rajagriha xứ Magadha, dời đến thủ đô Sravasti xứ Kosala, mong tìm được sự ủng hộ của vua Pasenadi và dân chúng nơi đó.

059-Đức Phật về cung Hóa độ Người thân.

Sau bao nhiêu năm, Đức Phật trở về thăm lại thành Catìlavệ và hoàng cung xưa.

Ở thành Ca Tỳ La Vệ, vua Tịnh Phạn luôn tưởng nhớ đến người con thân yêu. Hay tin thái tử đã tìm ra được đạo giải thoát, chứng thành quả Phật, đang đi giáo hóa khắp nơi, vua liền phái sứ giả đến nơi chỗ Phật, thỉnh Ngài về cung. Vì muốn báo đáp hiếu ân, thăm lại vua cha nên Đức Phật dẫn chư Tăng cùng đến kinh thành Ca Tỳ La Vệ.
Trong lúc Phật ở tịnh xá Trúc Lâm, thì vua Tịnh-Phạn nghe tin Ngài đã thành Phật, truyền sứ-giả đi thỉnh Ngài về thành Ca-Tỳ-La-Vệ.
Nhưng 9 lần 9 sứ giả đi đều biệt tăm, không trở lại. Thì ra những người này khi đến Trúc Lâm tịnh xá nghe Phật thuyết pháp, đã say mê quên sứ mạng của mình và xin thọ giới xuất gia. Lần thứ 10, Tịnh Phạn vương sai một cận thần thân tín là Ưu-Ðà-Di, mới thỉnh được Phật về.
Trên đường từ thành Vương-xá trở về Ca-Tỳ-La-Vệ, Ðức Phật đã thuyết pháp độ cho không biết bao nhiêu người. Về thành Ca-tỳ-la-vệ, Ngài ở lại 7 ngày. Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi ấy, Ðức Phật đã cảm hóa tất cả dòng họ Thích và tất cả những người trong dòng họ này đều xin quy y và một số lớn xin xuất gia theo Phật, như các ông: Nan-Ðà, A-Nan-Ðà, A-Nậu-Lâu-Ðà, La-Hầu-La.

Đức Phật và các đệ tử của Ngài được vua cha Suddhodana, quần thần và dân chúng đón tiếp rất long trọng.
Được nghe Đức Phật thuyết pháp, vua chứng ngay Sơ quả (Tư đà hoàn).
Khi nghe bài thuyết pháp thứ hai, nhà vua chứng quả Thánh thứ hai, Sakkadagami (Tư đà hàm), còn bà dì Pajapati Gotami thì chứng Sơ quả (Sotapana–Tu đà hoàn).
Lần thứ ba, Đức Phật giảng kinh Dhammapala Jàtaka cho vua cha, và vua cha chứng quả Thánh thứ ba (Anagami–A na hàm).

060-Khất thực đến Vương cung.

Sau khi đắc quả giải thoát, Ngài trở về thăm quê hương. Trước khi vào cung vua để diện kiến Phụ thân, Ngài đã đi từng gia đình để khất thực. Vua cha rất lấy làm kinh ngạc và xấu hổ vì hành động này của đức Phật. Ngài đã từ tốn giải thích cho vua cha rằng đó là truyền thống khất thực của chư Phật quá khứ.

Thời bấy giờ, hành động khất thực của một người xuất thân từ giai cấp quý tộc như đức Phật bị xem là hành động bôi nhọ nghiêm trọng của hệ thống giai cấp. Giai cấp trên như vua chúa, Bà-la-môn không bao giờ chấp nhận thực phẩm từ các giai cấp thấp hơn.

Gặp Ngài trên đường đi khất thực, Vua nhìn Phật nắm tay nói với vẻ trách móc:
-Ta tưởng con về tới là vào cung ngay để thăm cha mẹ vợ con rồi ăn cơm luôn. Sao con không về thẳng hoàng cung mà lại đi khất thực ngoài phố? Sao con làm mất mặt hoàng gia như thế? Sao con lại phải xin ăn tại những nhà nghèo hèn như thế? Dòng họ Sakya từ đời vua Maha-Sammata (Ðại Mao Thảo) đến nay có ai làm như thế đâu!?
Ngài đáp:
-Thưa phụ vương, dòng họ vua chúa thì không ai làm như thế, nhưng chư Phật từ đời Phật Dipankara (Nhiên-Ðăng) đến đời Phật Kassapa (Ca-Diếp) thì ai cũng làm như thế cả.

061-La Hầu La xin cha Tài Sản.

Vào ngày thứ bảy sau khi Phật đến Kapilavatthu, công chúa Yasodhara mặc áo quần bảnh bao cho hoàng tử Rahula. Bà chỉ Đức Phật và bảo:
-“Nhìn kìa, con trai, vị thầy tu trang nghiêm, thanh tịnh dẫn đầu Tăng đoàn chính là cha của con đó. Hãy đi đến gặp cha và xin cha tài sản thừa kế!”.

062-Cho con Tài sản Xuất Thế gian.

Nghe lời mẹ, Rahula đi đến gặp Đức Phật và hỏi xin gia tài. Thay vì cho con trẻ tài sản thừa kế của thế tục, Đức Phật bảo Đại Đức Sariputta nhận Rahula vào Tăng đoàn để cho Hoàng tử một tài sản tinh thần quý giá hơn thứ của cải đã hỏi xin. Đức Phật cho La Hầu La gia tài của mình không phải là tài sản thế gian mà là tài sản xuất thế gian. Ngài thu nhận La Hầu La vào Tăng đoàn.

Vua Tịnh-Phạn quá buồn khổ, sau đó Vua yêu cầu Đức Phật không cho phép giới tử xuất gia khi cha mẹ chưa đồng ý (trong trường hợp dưới 18 tuổi). Đức Phật nhận lời.

063-Gia du Đà la không hết Buồn thương.

Hoàng hậu Gotami lên tiếng bảo Yasodhara và Sundari Nanda cùng xuống sân chầu đón vua và Phật. Yasodhara thưa:
-Thưa mẫu hậu, thái tử ra đi giữa đêm khuya không một lời từ giã con. Suốt bảy năm nay cũng không hề có nhắn tin tức gì về cho con. Mọi tin tức về thái tử đều do con thăm dò mà biết. Vậy bây giờ thái tử về đây, nếu còn thương nghĩ đến con thì hãy vào cung tìm con.

Từ khi Ngài ra đi, Công chúa đã trãi qua nhiều nỗi vật vã buồn thương.

064-Phật thực hiện Thần thông Song hành.

Đức Phật thực hiện Thần thông song hành (Yamaka Patihariya) phun lửa và nước đồng thời từ Kim thân của Ngài để dập tắt lòng kiêu căng, ngã mạn của những người bà con trong thân tộc lớn tuổi hơn Ngài. Những người này đã suy nghĩ sai lầm rằng vì Đức Phật nhỏ tuổi hơn họ, Đức Phật phải bày tỏ lòng tôn kính đối với họ.

Vua Suddhodana kính cẩn chấp tay đảnh lễ Phật và thầm nhủ rằng đây là lần thứ ba cha đảnh lễ con. Tất cả các vị hoàng thân, lòng ngã mạn tiêu tan, đều noi gương vua, cung kính đến lễ Phật.

065-La hầu la theo Cha về Tịnh xá.

Rahula thấy chú là Nanda được xuất gia ở suốt ngày với Phật thì thích lắm. Rahula xin mẹ được xuất gia như chú Nanda, nhưng bà bảo cậu còn nhỏ lắm, chừng nào lớn bằng chú Nanda bấy giờ mới xuất gia được.
Một hôm tăng đoàn khất thực gần hoàng cung. Ysodhara và Rahula đứng trên lầu trông thấy. Rahula xin phép được xuống thăm Phật. Cậu chạy ra cửa hoàng cung, đến nắm tay Phật. Cậu rất sung sướng đi bên cạnh đức Phật, cậu nói:
-Thầy ơi! Ðược đi bên cạnh thầy con cảm thấy mát mẻ dễ chịu lắm.
Một lát sau, cậu hỏi:
-Thầy ơi! Gia tài của con đâu?
Đức Phật đáp:
-Về đến tịnh xá thầy sẽ trao cho con.

066-Rahula đã Xuất gia.

Sau đó, Rahula nói với đại đức Sariputta là cậu muốn được ở lại tịnh xá như chú Nanda. Ðại đức Sariputta bảo muốn ở luôn tại tịnh xá thì phải xuất gia.
Ðại đức Sariputta dắt Rahula đến bạch Phật ý muốn xuất gia của Rahula. Phật bảo:
-Vậy thầy hãy làm lễ nhập chúng cho cháu tập sự xuất gia, thọ giới Sa-di. Chừng đến hai mươi tuổi sẽ thọ giới tỳ-kheo.

Rồi Sariputta xuống tóc cho Rahula và cho cậu thọ tam quy và bốn trong năm giới:
-không giết hại, không trộm cắp, không nói dối, không uống rượu.

Ðược tin Rahula xuất gia, vua Suddhodana, hoàng-hậu Gotami và bà Yasodhara đến tinh xá Nigrodha. Yasodhara ôm con vào lòng, bà khóc. Vua Suddhodana trách móc:
-Thế Tôn, trẫm đã đau xót vô cùng khi thái-tử bỏ nhà đi xuất gia. Rồi mới đây Nanda cũng bỏ trẫm. Trong lúc tuổi già, trẫm nay đã 78 tuổi rồi, ngai vàng hiện không còn ai kế nghiệp, chỉ còn Rahula là nguồn an-ủi duy nhất. Bây giờ Thế Tôn lại khuyến dụ Rahula xuất gia. Nó còn nhỏ quá, chỉ mới bảy tuổi.
Xin Thế Tôn và các đại đức từ nay đừng nhận cho người còn nhỏ tuổi xuất gia nếu không có sự ưng thuận của cha mẹ chúng.
Ðức Phật quay lại nói với thầy Sariputta và các đại đức bên cạnh:
-Từ nay trở đi, các thầy không nên chấp nhận cho trẻ em xuất gia nếu không có sự đồng ý của phụ huynh các em. Xin đại đức ghi vào quy chế như vậy.

067-Các Vương tử Sakya Xuất gia.

Anuruddha rủ thêm được một số bạn hữu nữa cùng đi xuất gia, gồm có Ananda, Bhagu, Devadatta và Kimbila. Ananda là con của hoàng thúc Amitodana (Cam-Lộ-Phạn). Devadatta là con của vua Suppabuddha (Thiện-Giác) và hoàng hậu Amita. Suppabuddha là anh ruột của Maha Maya và Pajapati Gotami. Amita là em gái của vua Suddhodana. Devadatta cũng là em trai của Yasodhara. Trong số sáu vị vương tử sắp xuất gia thì cao niên nhất là Bhaddiya, lớn hơn đức Phật vài tuổi, nhỏ nhất là Ananda mới được mười tám tuổi, được phép cha là hoàng thúc Amitodana cho xuất gia.
Khi vừa đến một làng nhỏ thì họ gặp một người làm tiệm hớt tóc nghèo nàn tên là Upali đưa các vương tử qua khỏi biên giới xứ Malla, chỉ đường đi Anupiya, rồi vái chào các vương tử để trở về.
Rồi anh ta lại lật đật chạy theo các vương tử. Anh ta xin các vị vương tử cho phép anh cùng đi theo đến Anupiya để xin xuất gia với đức Phật.

Đức Phật và tăng đoàn đang cư trú trong một vườn xoài bên bờ sông Anoma, cách thành phố Anupiya chừng hai cây số về phía đông nam. Bảy người tìm tới nơi xin gặp Phật. Bhaddiya thay mặt cả nhóm trình lên Phật ý nguyện của họ xin được xuất gia. Đức Phật im lặng chấp thuận.
Bhaddiya nói:
-Chúng con xin Thế Tôn cho Upali được xuất gia trước. Như vậy chúng con phải xem Upali như một sư huynh để trừ ý niệm phân biệt kỳ thị còn sót lại trong lòng chúng con.
Ðức Phật khen ngợi cả bảy người, rồi cho Upali xuất gia trước, sau đến sáu vị vương tử. Ananda tuy mới mười tám tuổi cũng được xuất gia, nhưng chỉ thọ giới Sa-di.

Lúc bấy giờ Ananda là người trẻ nhất trong tăng đoàn, trừ Rahula.
Ngài Ananda (A Nan), con của hoàng thân Amitodana, em trai vua Suddhodana, Ananda là anh em chú bác với Đức Phật. Ông sanh ra mang lại niềm hoan hỉ cho hoàng tộc, nên được đặt tên là Ananda (Khánh Hỷ). Hai năm sau khi Phật thành đạo, ông xuất gia cùng với các thanh niên của dòng họ Sakya là Anurudha, Bhaddiya, Bhagu, Kimbala và Devadatta. Không bao lâu, ông chứng Sơ quả khi nghe bài pháp của Đại đức Puna Mantàniputta.

068-Trưởng giả Cấp Cô Độc.

Sau khi trở về thăm gia đình và quê hương, Ðức Phật cùng các đệ tử lại tiếp tục đi truyền Ðạo. Ngài đi đến thành Xá-Vệ là kinh đô nước Kiều-Tát-La, thuộc quyền thống trị của vua Ba-tư-Nặc.
Ở thành này có một vị đại thần tên là Tu-Ðạt-Ða, giàu lòng bố thí cho những kẻ bần cùng côi cút, nên có danh hiệu là Trưởng giả Cấp Cô Độc (chu cấp và bảo vệ những kẻ cô độc). Ông rất ngưỡng mộ Ðức Phật nên đã dùng rất nhiều vàng trong kho ra mua khu vườn rộng lớn của Thái tử Kỳ-Ðà để làm tịnh xá cho Phật và đệ tử của Ngài ở và thuyết pháp độ sanh.

Với lời thách thức nữa đùa nữa thiệt của Thái tử Jeta (Kỳ Đà), ông đã đem những đồng tiền vàng lót đầy mặt đất trong khu vườn của Jeta. Lòng tín thành của ông đã gây được lòng ngưỡng mộ của Thái tử Jeta đối với Đức Phật. Sau đó, hiệp với những tàng cây do Jeta cúng, ông xây dựng tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) dâng lên Đức Phật.
Chính nơi đây, Đức Thế Tôn trải qua 19 lần an cư kiết hạ. Phần lớn những bài pháp cũng được hình thành ở ngôi tinh xá nằm ở Savatthi này.

069-Kỹ nữ Ambapàli tuyệt sắc.

Thời ấy, Kỹ nữ Ambapàli nổi danh tài sắc của thành Vesali.

Trên đường đi Kusinara để nhập Niết Bàn, Đức Phật dừng chân ở vườn xoài của cô gái giang hồ này. Nghe tin, cô liền đến thỉnh Đức Phật và đại chúng về nhà để được cúng dường, dù các nhà quý tộc Licchavi đề nghị đền bù cho cô một số tiền rất lớn để họ có đặc ân làm điều này. Cô phát tâm cúng vườn xoài cho đại tăng, xin xuất gia, và sau sự gia công chuyên cần, cô đạt Thánh quả.

Sau khi tới Mahavana thỉnh Phật, trên đường về, bà Ambapali gặp các vương tử Licchavi (Lê-xa-tử) ở giữa đường. Vesali là thủ đô xứ Vajji (Bạt-kỳ). Các vương tử hỏi bà đi đâu. Bà trả lời là vừa đến Mahavana (Ðại Lâm) thỉnh Phật và tăng đoàn ngày mai đến dùng cơm trưa tại vườn xoài của bà. Các vương tử bảo bà nên hủy bỏ việc mời Phật để mời họ:
-Nếu nàng chịu mời chúng tôi, chúng tôi sẽ trả giá bữa cơm ngày mai là một trăm ngàn đồng tiền vàng.
-Quý vị chưa biết đức Phật nên mới nói thế, Ambapali đáp. Ðức Phật là bậc Giác-ngộ, là một thánh nhân hiếm có trên đời. Tôi đã mời Phật và giáo đoàn ngày mai rồi thì dù quý vị có cho tôi cả thành Vesali này tôi cũng không thể thay đổi ý kiến. Tuy nhiên, tiện đây tôi xin mời quý vị đến dự lễ và nghe Phật thuyết pháp. Thôi, xin quý vị hãy tránh đường cho tôi về nhà sớm để lo cuộc đón tiếp ngày mai.
Các vương tử Licchavi tránh đường cho bà đi; rồi họ rủ nhau đến Mahavana để xem đức Phật là người thế nào mà bà Ambapali kính trọng đến thế.

070-Các Vương tử Licchavi Xuất gia.

Sau khi nghe Phật thuyết pháp, mười hai vị vương tử xin xuất gia theo Phật. Trong số đó có Otthaddha và Sunakkhatta là hai vị vương tử có ảnh hưởng lớn trong bộ tộc Licchavi. Các vương tử thỉnh Phật và giáo đoàn sang năm về an cư tại Vesali. Họ hứa sẽ xây cất giảng đường, am thất để biến Mahavana thành một tinh xá đầy đủ tiện nghi cho giáo đoàn tu học và hành đạo.
Bà Ambapali có mặt hôm ấy, cũng ngỏ ý cúng dường khu vườn xoài của bà cho giáo đoàn. Phật đều hoan hỷ chấp thuận.

Trong 45 năm, Đức Phật đã đi nhiều nơi để thuyết pháp.

071-Ẩn sĩ Kiêu ngạo Saccaka.

Vào thời đó, các tu sĩ Bà La Môn và các ẩn sĩ thường đến tranh luận với Đức Phật.
Sau khi bị Đức Phật đánh bại trong một cuộc tranh luận trực tiếp, ẩn sĩ kiêu ngạo Saccaka từ chối trả lời câu hỏi của Đức Phật. Chỉ khi Saccaka bị đức vua Trời hóa thành một Dạ xoa cầm cái chùy kim cang phát ra luồng ánh sáng khiếp người, ngồi trên đỉnh đầu của ông dọa sẽ đánh cho đầu ông vỡ ra làm bảy mảnh vì tính ương ngạnh, ngoan cố thì ông mới chịu nhận sự sai lầm của mình và ngoan ngoãn lắng nghe Đức Phật giảng dạy.

072-Đả phá Sakka ưa Tranh luận.

Đức Phật đả phá thói ưa tranh luận, hý luận.

Một thời, Thế Tôn sống giữa các vị dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở vườn Nigrodharama.
Có vị Gậy cầm tay (Dandapani) Sakka (Thích-ca), kéo bộ khắp nơi, ngao du thiên hạ, đến tại rừng Ðại Lâm, đi sâu vào ngôi rừng, đến tại Beluvalatthika chỗ Thế Tôn ở, rồi dựa trên cây gậy, đứng một bên. Gậy cầm tay Sakka nói với Thế Tôn:
-"Sa-môn có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì?"
Đức Phật đáp:
-"Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời; các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu.
Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy".
Khi nghe nói vậy, Gậy cầm tay Sakka lắc đầu, liếm lưỡi, với trán nổi lên ba đường nhăn, chống gậy rồi đi.

Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-Nhưng bạch Thế Tôn, lời dạy ấy là gì mà Thế Tôn, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời? Các tưởng sẽ không ám ảnh Thế Tôn, vị đã sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu?
-Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người. Nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn.

073-Chỉ có Cung kính với Như Lai.

Một thời Bạt Già Bà ở tại vườn Hoàng Trúc, Tỳ Lan Nhã. Bấy giờ Bà la môn Tỳ Lan Nhã tuổi cao tác lớn, là bậc kỳ túc, tuổi thọ gần mãn, đã một trăm hai mươi tuổi, tay chống gậy, lúc xế trưa thong thả tản bộ đi đến chỗ đức Thế Tôn; sau khi chào hỏi thăm viếng đức Thế Tôn rồi, chống gậy đứng trước đức Thế Tôn, rồi Lan Nhã nói với đức Thế Tôn rằng:
–Này Cù Ðàm, tôi nghe Sa môn Cù Ðàm tuổi còn quá trẻ, vừa mới xuất gia học đạo, thế mà nếu có Ðại Sa môn, Bà la môn nào đích thân đến vẫn không tùy thời cung kính, cũng không đứng dậy, không mời các vị ấy ngồi. Này Cù Ðàm, việc ấy tôi không thể chấp nhận được.
Ðức Thế Tôn đáp:
–Này Bà la môn, ta chưa từng thấy chư thiên và thế gian, Ma, Phạm, Sa môn, Bà la môn, chúng thiên và loài người đi đến mà khiến cho Như Lai cung kính, từ tòa đứng dậy mời các vị ấy ngồi.
Này Bà la môn, đó là nếu đức Như Lai cung kính, từ tòa đứng dậy thì ngay sau đó đầu của người ấy sẽ bể thành bảy mảnh.

074-Phật dạy Sujata về 7 hạng Người vợ trên Thế gian.

Một hôm, ông Sudatta thỉnh Phật đến nhà thọ trai. Trong khi đức Phật và ông Sudatta đang đàm đạo ở phòng khách thì bỗng nghe có tiếng ồn ào phía nhà sau. Phật hỏi có chuyện gì. Ông Sudatta thưa:
-Bạch Thế Tôn, đó là Sujata, dâu của con. Vợ chồng đứa con trai út duy nhất của con là Kala vẫn còn sống chung nhà với con. Vợ nó là con nhà giàu có, quen tánh rầy la tôi tớ, mà cũng không biết kính nể người trưởng thượng, không để ý đến lời khuyên dạy của chồng và của cha mẹ chồng. Hôm nay biết có Thế Tôn đến nhà mà nó cũng không kiêng nể gì cả. Chúng con xin Thế Tôn tha lỗi cho.

Ðức Phật cho gọi cô dâu ra và giảng cho nghe một bài pháp về bảy hạng vợ trong xã hội.
1)-Người đàn bà không có lòng trắc ẩn, tâm hồn thấp hèn, không ngó ngàng chăm sóc chồng con, không ôn hòa nhã nhặn, ưa thích làm chuyện ngang bướng, hư thân trắc nết. Ðó là người vợ sát nhân (Vadhakabhariya).
2)-Người đàn bà hay trộm cắp của chồng. Hay dấu tiền của chồng làm ra để xài riêng. Ðó là người vợ trộm cắp (Corabhariya).
3)-Người đàn bà làm biếng, tham ăn, cả ngày không làm gì, thích ngồi lê đôi mách và hay la lối gắt gỏng, không để ý đến công lao khó nhọc của chồng. Ðó là người vợ như bà chủ (Ayyabhariya).
4)-Người đàn bà thương chồng như mẹ hiền thương con, trông nom săn sóc từng ly từng tí. Ðó là người vợ như mẹ (Matubhariya).
5)-Người đàn bà kính nể chồng như em gái kính nể anh, tánh ôn hòa và hết lòng phục vụ. Ðó là người vợ như em gái (Bhaginibhariya).
6)-Người đàn bà duyên dáng, dịu hiền, vui vẻ, hân hoan mỗi khi thấy chồng như gặp lại người bạn thân lâu ngày xa cách. Ðó là người vợ như bạn thân (Sakhibhariya).
7)-Người đàn bà dù bị roi vọt cũng không sợ hãi, oán trách, im lặng chịu đựng và luôn luôn vâng lời chồng. Ðó là người vợ như tớ gái (Dasibhariya).

Này Sujata, đó là bảy hạng vợ. Vậy con hãy xét xem con thuộc về hạng nào?
-Bạch Thế Tôn, xin ngài hãy nghĩ rằng kể từ nay con thuộc về hạng vợ như tớ gái.

Về sau, một người cha cũng đã thỉnh Ngài đến nhà để có những lời khuyên cho đứa con gái sắp lấy chồng của mình, và Ngài đã có những lời dạy bảo.

TIẾP THEO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Bạn Đọc-Viết
BÌNH LUẬN