-----
Opera-Trangphattu—Nghệ Thuật-Văn Học—Phật Giáo Hiện Đại

22 thg 4, 2013

Tranh—Cuộc Đời Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni

ALBUM



001...ĐỨC PHẬT THÍCH-CA-MÂU-NI.

002-Tiền thân xưa là Bồ-tát Sumedha-Thiện-Huệ.

Thủa xa xưa, (Bồ Tát) Sumedha là một người khôn ngoan được thừa hưởng gia tài đồ sộ từ song thân để lại khi họ qua đời. Nhận thức được sự vô thường của cuộc đời, ông bố thí hết của cải và trở thành một nhà tu khổ hạnh trong rừng. Chẳng bao lâu sau, ông tinh thông thiền định và trở nên nổi tiếng về năng lực thần thông của mình.

003-Sumedha được Đức Phật Dipankara thọ ký.

Khi thầy tu khổ hạnh Sumedha-Thiện Huệ biết Đức Phật Dipankara-Nhiên Đăng sẽ đến thành phố Rammavati, ông tham gia làm đường để cho Đức Phật đi với lời nguyện rằng với sự cúng dường này ông xin được trở thành một vị Phật trong tương lai. Ông đang làm đường thì Đức Phật đi đến, và ông quyết định phải hoàn thành cho con đường dở dang vì vậy ông nằm sấp xuống, úp mình trên một chỗ trũng đầy bùn, để hoàn thành lời nguyện của mình.
Quỳ gần bên Sumedha là một thiếu nữ tên có tên Sumitta. Cô đang cầm tám nhánh hoa sen trong tay. Cô trao cho nhà tu khổ hạnh năm nhánh hoa và giữ ba nhánh dành cho nguyện ước riêng của nàng.
Đức Phật Dipankara thấy vậy và thọ ký cho nhà tu khổ hạnh Sumedha trở thành một vị Phật trong tương lai đồng thời tuyên bố rằng nàng Sumitta sẽ là người bạn đồng hành và đồng thời là người vợ của ông trong muôn kiếp sống.

004-Sumedha sẽ Thành mãn Thập độ.

Nhận thấy Bồ-tát Sumedha sẽ thực hành đầy đủ Thập độ Ba-la-mật, nên đức Phật Dipankara thọ-ký cho ông sẽ thành Phật hiệu là Sakyamuni (Thích-Ca Mâu-Ni) trong đời Hiền-kiếp (Bhadra-kalpa).

005-Muôn kiếp Duyên cùng nàng Sumitta.

Đồng thời Đức Phật Dipankara cũng tuyên bố với nàng Sumitta
(tiền thân của công chúa Yasodhara-Da du-Đà la)
rằng:
-Còn cô này cũng có thiện duyên với ông, nhưng cô chỉ nên khuyến khích chứ không nên ngăn cản bạn của cô khi chàng xuất gia tầm đạo về sau.

006-Bồ-tát Hộ Minh-Vessantara-Sataketu.

Trong kiếp nầy: Tiền thân của Ðức Phật Thích Ca-Gotama là Ðức Bồ Tát Hộ Minh-Setaketu-(Vessantara) ở cõi trời Tusita (Ðâu xuất đà Thiên) nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên và Tứ Đại Thiên Vương để giáng trần.
Khi ấy, chư thiên, Phạm thiên đến kính thỉnh Ngài giáng sanh làm người, để trở thành Bậc Chánh Ðẳng Giác tế độ chúng sinh. Ðức Bồ Tát Setaketu quán xét 5 điều:
-Thời kỳ tuổi thọ con người, châu để tái sanh, quốc độ tái sanh, dòng dõi tái sanh, thời gian tuổi thọ Phật mẫu đã đủ; nên nhận lời thỉnh cầu của chư thiên-Phạm chúng.

007-Tịnh-Phạn Vương và Ma-Gia Hoàng hậu.

Cách đây nhiều năm:
Từ ngàn xưa, tại một vương quốc nhỏ ở phía Bắc Ấn Ðộ, có vương thành Ca tỳ la vệ; Tịnh Phạn Vương-Suddhodana Gotama và Hoàng hậu Ma Gia-Maha Maya trị vì xứ Nepal trong thanh bình. Vua và Hoàng-hậu là người giàu lòng nhân ái, kính trọng thánh hiền. Với lòng yêu người thương vật, luôn tươi cười và bình đẳng với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, nên Vua và Hoàng Hậu được nhân dân vô cùng kính mến, nồng nhiệt đón chào, triều thần nể vị tôn vinh. Nhưng mãi đến năm 40 tuổi mà vẫn chưa có người nối dòng. Vua và Hoàng hậu thường lập đàn cúng vái, và mở hội bố thí cho người nghèo khổ để cầu sanh được một Hoàng nam hầu sau này nối nghiệp đế vương.

008-Giấc mơ Hoàng hậu thấy Voi ngà.

Một hôm, Hoàng hậu Ma Da (Maya), vợ của vua Tịnh Phạn (Suddhodana), trong lúc ngủ đã có một giấc mơ tuyệt diệu.
Bà mơ thấy một luồng ánh sáng trắng từ bầu trời chiếu xuống thân thể mình, theo luồng ánh sáng này là một con voi lớn, thân hình trắng xóa với sáu chiếc ngà, từ núi vàng, núi bạc đến và mang cho bà một cành hoa sen. Luồng ánh sáng và con voi này bay càng lúc càng gần và cuối cùng nhập vào thân bà.
Lúc ấy Hoàng hậu tỉnh dậy với một niềm hoan hỷ tràn đầy, chưa từng có trước đây. Từ đó, Hoàng hậu Ma-Da bắt đầu mang thai, rồi về sau sanh ra Ngài.

009-Vườn Lâm tỳ ni, Thái tử Đản sanh.

Tại khu vườn Lumbini ở Nepal, vào ngày Vesak trăng tròn. 625 năm trước Công Nguyên (Tây lịch), Bồ Tát-Thái tử Siddhattha đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni. Sau khi đản sanh, Ngài đi 7 bước và mỗi bước có hoa sen đỡ chân Ngài. Hoàng tử mới đản sanh bước trên bảy đóa sen, chỉ tay về phía bắc và nói:
-“AGGOHAM ASMI LOKASSA”
nghĩa là:
-“Ta là bậc tối thượng nhất trong toàn thế giới chúng sinh”.
Sự ra đời của Hoàng tử đã đem lại niềm hân hoan tột bậc cho hai bậc sinh thành vương giả, vua Suddhodana và hoàng hậu Maha Maya, cùng toàn thể chư thiên và nhân loại.

010-Tiên A Tư Đà xem thấy tướng Thánh Vương.

Sau khi sanh:
Qua ngày hôm sau, tiên ông Asita Kaladevala (A-tư-đà) do thấy điềm lạ trên trời, biết có thánh nhân vừa giáng sinh, liền từ sườn núi Himalaya vội vã đi đến thành Ca tì la vệ, xin phép vua được xem tướng cho thái-tử.
Vua Suddhodana rất vui-vẻ cho bồng thái-tử ra đảnh lễ tiên ông. Nhưng, trước sự kinh-ngạc của mọi người, thái-tử bỗng nhiên quay về phía ông và đặt hai chân lên đầu tóc của vị đạo sĩ. Ðang ngồi trên ghế, đạo sĩ Asita vội đứng dậy chắp tay xá chào thái-tử và tiên đoán thái-tử sẽ trở thành bậc vĩ-nhân cao quí nhất của nhân loại. Nhà vua cũng làm theo, xá chào thái-tử.
Trong khi xem tướng cho thái-tử, tiên ông Asita tỏ vẻ rất vui mừng, nhưng khi xem xong thì ông lại khóc.
Nhà vua ngạc nhiên hỏi điềm lành dữ thế nào. Asita nói:
-Tâu Ðại Vương, thái-tử có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, sau nầy sẽ là vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ; nhưng chắc ngài sẽ xuất gia tu hành thành bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, là bậc thầy lỗi lạc của khắp các cõi trời và cõi người, giảng dạy pháp mầu để ban vui cứu khổ cho chúng sanh. Rất tiếc nay tôi đã quá già rồi, không còn sống đến lúc đó để được nghe lời ngài chỉ dạy, là vị Phật tương lai trực tiếp giáo huấn, giác ngộ, nên tôi tủi thân mà khóc thôi.

011-Lễ đặt tên Thái tử Tất Đạt Đa.

Tịnh Phạn Vương xiết đỗi vui mừng, Ngài cho vời tất cả các nhà tiên tri & đạo sĩ đến để tiên đoán cho cuộc đời Thái tử Tất Đạt Đa.

012-Kế mẫu Maha Pajapati Gotami.

Sau khi hạ sanh thái tử được 7 ngày, Hoàng hậu qua đời nên bà dì Maha Pajapati Gotami (Ma-ha-ba-xà-ba-đề) trực tiếp nuôi dưỡng thái tử.

Bà Gotami có sanh một gái tên là Sundari Nanda và một trai tên Nanda. Về sau cả hai đều được đức Phật tiếp độ và gia nhập vào Giáo hội Ni đương thời.

013-Thái tử Siddhattha dự lễ Hạ điền.

Thời niên thiếu, năm lên 7 tuổi, một hôm Thái-tử Siddhattha được theo Phụ vương đi dự lễ Hạ-điền ngoài cổng thành phía nam để khai mạc mùa cày cấy.
Hoàng tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha) ngồi thiền định và nhập sơ thiền sau khi quán chiếu, suy xét sự khổ của chúng sinh bằng cặp mắt tuệ giác.
Tại đó, Ngài nhìn thấy bao nỗi khổ của muôn loài, là
-nỗi khổ nhọc của người nông phu, con trâu cày mồ hôi nhễ nhại trên đồng, con giun đất quằn quại dưới lưỡi cày, con chim sà xuống gắp con giun bay đi...; tất cả đều trong vòng sinh tử.
Trong buổi lễ ấy, Thái tử ngồi thiền định bất động dưới một tàng cây cổ thụ. Phụ vương là vua Tịnh Phạn đã hoan hỷ và đến đảnh lễ con.

014-Lòng Từ bi, Nhân hậu, Yêu thương.

Thái tử có đức từ bi, bình đẳng và yêu thương muôn loại.
Có lần Hoàng tử đã cứu một con thiên nga bị Đề Bà Đạt Đa bắn.
Lúc thái-tử vào khoảng 12 tuổi, một hôm đang chơi ngoài sân thì có con chim thiên-nga bị tên bắn trúng cánh xà xuống bên cạnh. Thái-tử dịu-dàng săn-sóc vết thương cho con thiên-nga.

015-16 tuổi, Văn võ Tinh thông.

Lúc thái tử Siddhattha được 16 tuổi, vua Suddhodana bàn tính với triều thần tìm người vợ tương lai cho thái tử, mong rằng với sự ràng buộc gia đình thì thái tử sẽ bỏ ý định xuất gia và sẽ trở thành một đại đế vương, mang lại sự vẻ vang cho cho dòng họ Sakya.
Qua 1 lần tuyển chọn, các vị đại thần đều cho rằng thái tử Siddhattha đã chú ý đặc biệt đến công chúa Yasodhara-Gia du Đà la. Vua Suddhodana liền cử sứ thần đến thủ đô Devadaha xứ Koliya xin cầu hôn công chúa Yasodhara cho thái tử. Nhưng vua Suppabuddha đòi phải tổ chức một cuộc tranh tài về võ thuật mà người thắng cuộc sẽ thành hôn với Yasodhara. Có cả thảy 500 thanh niên tham dự cuộc tranh tài, gồm ba bộ môn: đấu kiếm, bắn cung và đấu vật.

016-Võ nghệ Siêu phàm.

Ở đây trong cuộc thi tài, Hoàng tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha) đã trình diễn kỹ năng bắn cung bằng cách nhấc và bắn một cái cung mà không ai trong cuộc thi nhấc và kéo nổi để bắn đến 1 đích xa không ai bắn tới.

Thái tử Sĩ Đạt Ta đã được nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục một cách toàn diện về hai mặt: văn chương và võ nghệ. Lớn lên Thái tử thông minh xuất chúng lạ thường, Ngài là một bậc văn võ song toàn, độc nhất vô nhị.

017-Chinh phục Ngựa thần Kiền-Trắc.

Vua Suddhodana rất vui mừng, phấn khởi, và cao hứng sai quân hầu là Channa (Xa-Nặc) dắt con ngựa chứng hung dữ Kanthaka (Kiền-Trắc) ra cho mọi người cỡi thử. Các thanh niên cỡi thử đều bị ngựa hất văng xuống đất. Siddhattha ngồi vững trên lưng ngựa cho đến khi con ngựa chịu đứng yên. Thái tử cho ngựa chạy ba vòng sân, rồi trở lại chào vua Suddhodana và vua Suppabuddha.
Chàng đã trở thành vô địch trong cuộc thi tài ngày hôm ấy.

018-Kết Hôn với Công chúa Da Du Đà La.

Thái tử Sĩ Đạt Ta kết hôn cùng Công chúa Da Du Đà La-một thiếu nữ xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn. Cuộc hôn nhân của Thái tử Siddhattha và công chúa Yasodhara (tên thật là Badda Cancana ) do vua cha Suddhodana đứng ra tổ chức tại Cung Vàng. Đây là một tòa lâu đài tráng lệ đầy đủ mọi tiện nghi của cuộc sống. Hôn lễ kéo dài trong nhều ngày.

019-Cuộc sống Hoàng cung Xa hoa.

Lúc bấy giờ thái tử Siddhattha được 17 tuổi.
Lễ thành-hôn với công chúa Yasodhara được tổ chức vô cùng long trọng. Nhưng một thời-gian sau, nhận thấy Yasodhara không đủ sức quyến rũ làm cho Siddhattha từ bỏ ý định xuất gia, nhà vua lại cho xây ba cung điện cho thái-tử ở tùy theo thời-tiết nóng, lạnh hay mưa.
Vua Suddhodana làm đủ mọi cách để ngăn cản việc xuất gia của thái-tử. Vừa tổ chức các trò chơi, ca, vũ, nhạc, kịch trong cung nội; vừa tổ-chức các cuộc bố-thí, phóng sinh, khuyên dân tu thiện; vừa bố-trí không cho thái-tử ra khỏi thành nhìn thấy cảnh dân đói khổ, già, bệnh, chết.
Thái-tử Siddhattha đã ở trong hoàng cung vui-thú với năm cảnh dục-lạc thế gian ròng-rã mười năm.

020-Chứng kiến bốn Sự kiện.

Trong chuyến đi du ngoạn vườn thượng uyển, Thái Tử Siddhattha chứng kiến bốn sự kiện, bốn cảnh tượng tại bốn cổng thành mà từ trước tới nay chưa bao giờ được chứng kiến vì sắc lệnh của đức Vua không muốn Hoàng nhi trông thấy những cảnh tượng đó. Bốn cảnh tượng đó là:
-Một người già, một người bệnh, một người chết và một người ẩn sĩ đang ngồi thiền thật trang nghiêm, thanh tịnh.

021-Mến cảnh Thanh thoát đời Ẩn sĩ.

Ngài cảm thấy quý nhất là hình ảnh thanh thoát của người ẩn sĩ sau cùng. Việc này đã làm cho Thái Tử nhận thức được sự bất toại nguyện của cuộc sống, sự tịnh lạc của đời sống xuất ly và thúc giục Ngài từ bỏ cuộc sống thế tục.

022-Thái tử thấy sự Nhàm chán trong Lạc thú.

Năm 595 trước tây lịch, Thái-tử Siddhattha được 29 tuổi. Công chúa Yasodhara vừa hạ sanh hoàng nam là Rahula được bảy ngày.

Vua Tịnh Phạn nhớ lời đạo sĩ A Tư Đà, sợ ngài đi tu nên xây cho Ngài cung điện nguy nga với những lạc thú ngày đêm mong làm Thái tử vui lòng.
Đêm ấy, trong ngày La Hầu La–con trai của Ngài chào đời. Sau yến tiệc chào mừng, nhìn những vũ nữ ngủ la liệt mệt mỏi sau những màn múa mua vui cho Ngài, Thái tử thấy cảnh tượng nhàm chán của dục lạc, thế sự–các cô vũ nữ đang mê say trong giấc ngủ đã biểu lộ những nét xấu xa, thô lỗ. Thái tử khẳng định rằng lạc thú thế gian thật là vô nghĩa.

023-Nữa đêm Từ biệt.

Sau khi Hoàng nam La-hầu-la chào đời, Thái tử Sĩ-đạt-ta quyết định lìa bỏ đời sống thế tục. Ngài đến thăm mẹ con Da-du-đà-la lần cuối.
Ngài lẳng lặng từ biệt người vợ hiền và đứa con thơ yêu dấu.

024-Rời cung Xuất gia.

Thái Tử Siddhattha cỡi Kanthaka, con ngựa Ngài yêu thích nhất, cùng với Channa, người hầu trung thành của mình ra khỏi hoàng cung. Ngài lặng lẽ thắng ngựa Kiền Trắc rồi cùng Sa Nặc phi nhanh trong im vắng.
Ác Ma Thiên cố gắng không ngừng để ngăn cản Thái Tử Siddhattha xuất gia vào lúc nửa đêm nhưng không thành công. Thiên Ma nói với Thái Tử rằng nếu Ngài không xuất gia, Ngài sẽ trở thành bậc Chuyển luân thánh vương sau bảy ngày sắp tới.

025-Cắt tóc bên sông Anoma.

Thái Tử Siddhattha cắt tóc và từ bỏ đời sống thế tục tại bờ sông Anoma.
Đức vua trời Sakka đem hộp bằng ngọc đựng nắm tóc của Ngài và tôn thờ tại ngôi bảo tháp Culamani tại cung Tam thập tam thiên. Tương tự, vị Đại Phạm thiên Ghatikara đem y phục thái tử của Ngài lên cõi trời Sắc cứu cánh và thờ trong ngôi bảo tháp Dussa. Vị Ðại Phạm thiên Ghatikàra kính dâng thầy tu khổ hạnh Siddhattha 8 món đồ dùng của Sa môn. Còn Ngài ra lệnh cho Channa đem đồ trang sức của Ngài về cung.

026-Hoàng bào đổi lấy Ca sa.

Thái-tử lại thầm nghĩ:
-"Còn tấm áo bào này ta cũng phải thay đổi mới thành tướng xuất gia".
Sakka Indra-Vua trời Đế thích biết ý liền hóa làm người đi săn, tay cầm cung tên, mình mặc áo cà-sa vàng đi tới. Thái-tử nhìn thấy hỏi rằng:
-Tại sao ông mặc áo của người tu-hành mà đi làm việc giết hại như vậy?
-Thưa ngài, tôi mặc áo này để cho mấy con hươu nhìn thấy không bỏ chạy. Nhờ vậy tôi mới săn được nhiều.
-Ông mặc áo thầy tu mà làm việc sát hại thật không nên. Còn tôi muốn xuất gia cầu giải-thoát mà chưa có áo tu-sĩ. Vậy ông nên đổi áo với tôi đi.
Sakka Indra thành kính cởi áo cà-sa dâng thái-tử. Thái-tử cũng cởi áo bào đổi cho và hoan-hỷ mặc áo cà-sa.

Thái-tử Siddhattha, bây giờ đã trở thành sa-môn Gotama, ở lại bờ sông Anoma bảy ngày, vui thú tĩnh-tọa giữa cảnh u-tịch của núi rừng, gần thành phố Anupiya của xứ Malla.

[Có chuyện kể thêm rằng: Vua Suddhodana sau khi hay tin thái-tử vượt thành xuất gia thì liền triệu-tập quần-thần đàm luận rồi sai quan Thái-sư cầm đầu một nhóm văn-thần đi mời thái-tử về hoàng cung. Trong nhóm đó có năm vương-tôn dòng Sakya là các ông:
Kondanna (Kiều-trần-như), Bhaddiya (Bạt-đề), Dasabala-Kassapa (Thập-lực-Ca-diếp) còn gọi là Vappa (Bà-sư-ba), Mahanama-Kulika (Ma-ha-nam Câu-lỵ), Assaji (Át-bệ, A-xà-du). Phái đoàn đến khu rừng bên bờ sông Anoma, gặp thấy thái-tử đã mặc áo sa-môn.
Thấy thái-tử đã có đầy đủ tướng xuất gia lại một lòng khẳng-khái không lay chuyển, nhóm năm anh em ông Kondanna muốn đi theo thái-tử, nên chỉ để quan Thái-sư trở về tâu lại với vua.]

027-Tìm sư Alara Kalama học Đạo.

Bồ tát đến tu học nơi ẩn sĩ A-la-la Ca-lam (Alara Kalama) đạt đến cấp thiền Vô sở hữu xứ. Nhưng Thái tử Tất-đạt-đa cũng không tìm thấy nơi vị đó lời giải cho thắc mắc của mình, nên đã đi tìm một vị thầy khác.

Thái tử trên đường đi tầm đạo, đã tới thụ giáo với hai đạo sư danh tiếng nhất thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai người đều tu theo phép Du già và đều chứng được những cấp thiền định cao nhất thời bấy giờ. Alara Kalama chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ, còn Uddaka Ramaputta thì chứng được cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là hai cấp thiền thuộc Vô sắc giới, hai cấp thiền cao nhất mà tu sĩ Du già thời bấy giờ chứng đạt được. Nhưng chỉ một thời gian ngắn tu học, Thái tử cũng dễ dàng đạt được hai cấp thiền nói trên, và được hai đạo sư mời ở lại, cùng với họ lãnh đạo chúng đệ tử. Thái tử biết rõ, các cấp thiền mà Ngài chứng được chưa phải là chân lý tối hậu, Niết bàn, sự chấm dứt sinh tử và mọi khổ đau. Cho nên, Ngài từ chối lịch sự, rồi lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình cầu đạo của mình.

028-Tầm sư Uddaka Ramaputta học Đạo.

Nơi Ưu-đà-la La-ma-tử (Uddaka Ramaputta) Ngài học đạt đến cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng Thái tử Tất-đạt-đa cũng không tìm thấy nơi các vị đó lời giải cho thắc mắc của mình, nên quyết tâm tự mình tìm đường giải thoát.

Ngài đi khắp nơi tầm sư học đạo. Nhưng với trí tuệ siêu việt của mình chẳng bao lâu Ngài đã học xong những gì mà các người Thầy đã dạy. Sau đó, Ngài từ giã họ tiếp tục ra đi tìm chân lý mới.

029-Bimbisara dâng nữa Giang san.

Tình cờ vua Seniya Bimbisara đến thăm đạo-sư Uddaka Ramaputta, thấy vậy liền đến đảnh lễ sa-môn Gotama và đề nghị chia cho ngài phân nữa giang sơn nếu ngài chịu ở lại Magadha. Sau khi sa-môn Gotama từ chối, nhà vua yêu-cầu sa-môn sau khi thành công nhớ trở lại thành Vương-xá độ cho ngài.

030-Khổ hạnh qua 6 Năm trường.

Thái tử đến một nơi gọi là Uruvela, thị trấn của Senàni. Ngài tìm được một khoảnh đất đẹp và mát, có con sông nhỏ chạy qua giữa bờ cát trắng. Gần đây, lại có làng nhỏ, có thể đi khất thực hàng ngày. Đúng là một nơi yên tĩnh, đẹp đẽ, rất thích hợp với trầm tư mặc tưởng và tu tập thiền định.
Cùng đến nơi đây tu tập với Thái tử còn có các tu sĩ:
Kondana, Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji. Kondanna (Kiều Trần Như) vốn là vị đạo sĩ trẻ tuổi nhất, trong số các đạo sĩ được vua Suddhodana mời tới kinh đô để xem tướng Thái tử, lúc Ngài mới đản sinh.
Thời bấy giờ, ở Ấn Độ có tập tục và niềm tin rằng, người nào cầu đạo giải thoát, đều phải kiên trì tu khổ hạnh, ép xác. Cũng theo truyền thống đó, Thái tử cùng với 5 người bạn đồng tu trong 6 năm ròng rã, kiên trì khổ hạnh ép xác tới mức con người Thái tử gầy khô như bộ xương, đôi mắt sâu hoẵm xuống, sức khỏe giảm sút đến nỗi Ngài không còn đi vững được nữa.
Ngài quyết tâm tự thiền định tìm đường giải thoát và có năm tỳ-kheo (năm anh em Kiều Trần Như) cùng đồng hành.
Với thệ nguyện, thân ta dù chỉ còn da bọc xương ,ta vẫn quyết đi tìm đạo giải thoát, sau khi đã học nhiều vị đạo sĩ nhưng Ngài nhận thấy đó không phải là con đường dẫn đến sự giác ngộ.
Bồ tát thực hành sáu năm khổ hạnh ở rừng Ưu lâu tần loa xứ Phật đà già da (Bouddhagaya), và thiền định với sự kiên định và tinh tấn trước khi đạt đến sự giác ngộ. Mặc dù Ngài gầy yếu chỉ còn như một bộ xương, xương trong thân lộ ra ngoài, mà Ngài vẫn tinh tấn hành đạo.
Nhưng sự hành hạ xác thân không đưa đến giải thoát. Khi Ngài nghe một bài hát do Phạm thiên Indra đánh đàn, Ngài liên tưởng đến loại đàn với dây không căng không chùng. Ngài khám phá con đường trung dung, Trung Đạo.

031-Trở về Trung đạo-Mục nữ Cúng dường.

Ngài thường đến bờ sông Nairanjana (Ni-liên-thiền, hiện nay là sông Phalgu) ngồi thiền định trên bãi cát.
Một hôm, có hai cô bé chăn bò tên Nanda và Bala đang dắt bò xuống sông tắm. Hai cô thấy sa-môn Gotama y-phục tả-tơi, thân-thể gầy yếu, nhưng nét mặt trang-nghiêm, hiền-lành, thanh-thoát, đang ngồi thiền định, thì sanh lòng kính mến liền lựa một con bò cái thật tốt, tắm rửa cho nó sạch-sẽ rồi tự tay vắt lấy sữa, nấu chín, tới nơi dâng cúng. Sa-môn Gotama nhận sữa và nói lời chúc phúc.

032-Bát sữa nàng Sujata Cúng dâng.

Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Thái tử Tất- đạt-đa nhận ra đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ. Ngài nghiệm thấy, càng kiên trì khổ hạnh, chân lý tối hậu như càng lùi ra xa, tâm trí càng mê mờ, thân thể càng suy yếu. Ngài thấy rõ, khổ hạnh, ép xác không phải là con đường thoát khổ và cứu khổ. Thái tử quyết định ăn uống bình thường trở lại. Năm ẩn sĩ khổ hạnh kia thất vọng bỏ đi.
Năm người bạn đồng tu, vốn đặt niềm tin và hy vọng tuyệt đối vào Thái tử, tưởng rằng Thái tử đã thoái chí, bèn rời bỏ Thái tử, đến vườn Nai ở Isipatana gần thành phố Banares để tiếp tục tu hành. Họ nói rằng Thái tử đã trở về với cuộc sống tiện nghi và dục lạc vật chất.
Ở lại một mình, Thái tử quyết tâm tự mình phấn đấu để chứng ngộ chân lý tối hậu. Ngài lấy lại sức, nhờ uống bát sữa, do một thôn nữ tên là Sujata cúng dường.

Dưới cội cây Bồ Đề bên dòng sông Ni Liên Thuyền, sau khi Ngài thọ nhận bát cháo sữa cúng dường đầu tiên của nàng Sujata, Ngài cảm thấy khỏe khoắn và nhận ra rằng trung đạo là con đường có thể dẫn đến giác ngộ, giải thoát.
Thiện nữ Sujata (Su Già Ta) dâng Bồ Tát bát sữa bằng vàng và nghĩ Ngài là thiên thần (vì tướng Ngài rất hảo tướng với 32 tướng tốt).
Sau khi dùng sữa xong, Ngài ném bát xuống dòng sông và phát nguyện...

033-Sujata 2 chị em Nàng.

[Có tích kể thêm rằng: Ðến ngày thứ 49 kể từ lúc năm anh em ông Kondanna bỏ đi, trong lúc ngài đang ngồi thiền định dưới gốc cây cổ-thụ Ajapala
(cách cây Bồ-đề độ 100m về hướng đông, hiện nay có dựng bảng kỷ-niệm gần cổng vào Bồ-Ðề Ðạo-Tràng),
và Ngài sắp đi khất thực, thì có hai chị em nàng Sujata, con ông xã trưởng Senani, mang bát cháo sữa (kheer) đến cúng vị Thần gốc cây để tạ ơn vị Thần đã giúp người chị toại nguyện theo lời khấn vái cầu con trước đây. Thấy sa-môn Gotama tướng mạo trang nghiêm tươi sáng đang tĩnh-tọa, hai nàng tưởng là vị Thần hiện ra nhận lễ vật nên hai nàng đặt bát cháo sữa bằng vàng trước mặt sa-môn Gotama, cung-kính đảnh-lễ rồi ra về].

034-Thệ nguyện Chứng đạo-Bát trôi Ngược dòng.

Sau khi dùng xong bát cháo sữa, sức khỏe Ngài dần bình phục, tâm hồn sảng khoái, khí lực được phục hồi. Ngài đứng dậy đi đến bờ sông Ni Liên Thiền thả chiếc bát xuống dòng nước và nói:
-"Nếu ta được chứng thành Phật quả thì chiếc bát này phải nổi trên mặt nước và trôi ngược dòng sông".
Để minh chứng cho lời thề nguyện của Ngài, chiếc bát nổi và từ từ trôi ngược dòng nước chảy.

035-Quán Tưởng lý Duyên Khởi.

Ngài quán sát về nhân-duyên sanh-diệt của tất cả các pháp, theo chiều thuận rồi nghịch:
- Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
- Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt.
- Do cái này sinh nên cái kia sinh.
- Do cái này diệt nên cái kia diệt.

Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sanh sinh; do sanh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh.
Đây gọi là Duyên khởi (hay Duyên sinh).

Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; ...; lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt.

036-1 Giấc đại Mộng.

Một mình Bồ Tát ở lại tu tập thiền định trong rừng thanh vắng. Mười lăm ngày trôi qua kể từ khi các bạn đồng tu bỏ đi, Bồ Tát mơ năm giấc mộng lớn vào lúc trời gần sáng.

Giấc mộng đầu tiên, Bồ Tát mơ thấy mình đang ngủ trên bề mặt trái đất, đầu của Ngài gối trên đỉnh núi Himalaya, tay trái đặt ở biển đông, tay mặt đặt ở biển tây, hai chân ở biển phía nam.
Giấc mộng này nói lên rằng Bồ Tát sẽ chứng thành Chánh Đẳng Chánh Giác Phật và là thầy của trời, người và Phạm thiên.

037-4 Giấc đại Mộng.

Giấc mộng thứ hai, Bồ Tát mơ thấy cọng cỏ Tiriya màu đỏ mọc lên từ lỗ rún của Ngài. Nó cao dần cao dần chọc đến trời và dừng ở đó.
Giấc mộng này nói lên rằng Ngài sẽ thuyết giảng về giáo lý trung đạo (Bát chánh đạo) cho trời và người.

Giấc mộng thứ ba, Ngài mơ thấy một đám giòi mình trắng đầu đen bò từ móng chân lên đến đầu gối của Ngài.
Giấc mộng này báo trước rằng rất nhiều bạch y cư sĩ (đầu đen áo trắng) quy phục Ngài.

Giấc mộng thứ tư, Bồ Tát mơ thấy từ bốn hướng bay đến bốn loại chim, màu xanh, màu đỏ, màu xám và màu vàng. Khi chúng đậu trên chân của Bồ Tát, tất cả chúng đều chuyển thành màu trắng.
Giấc mộng này báo rằng bốn giai cấp vua chúa, tăng sĩ, thương gia và dân thường đều quy phục về giáo pháp của Ngài, xuất gia và chứng quả.

Giấc mộng thứ năm, Bồ Tát mơ thấy Ngài đi lui đi tới trên một ngọn núi lớn đầy rác thải nhưng Ngài không bị làm vướng bẩn.
Giấc mộng này báo rằng Ngài dùng tứ vật dụng (cơm, áo, thuốc và chỗ ở) nhưng không vướng mắc vào chúng.

Những giấc mộng lớn nầy thì chỉ có khi 1 vị Bồ tát sắp chứng quả vị Phật mới mơ thấy và hiểu được ý nghĩa!

TIẾP THEO

5 nhận xét:

  1. Có 1 câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Ko biết có thật hay ko xin admind chỉ rõ
    Thưa Sư cô. Sư cô cho con hỏi: Tại sao Đức Phật
    Thích Ca nói: "Suốt 49 năm ta chưa từng nói một
    lời". Trong lúc đó suốt 49 năm Đức Phật đã thuyết
    giảng vô lượng pháp môn mà?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn thân mến!
      Chuyện đó không có thật. Trong Chánh Giáo điển không hề có tích sự như vậy. Câu đó, là do ngoại đạo tự bịa đặt ra mà thôi.
      Đức Phật là bậc Chân thật. Ngài không bao giờ nói lời trái sự thật, dù chỉ là nói để đùa chơi.
      Chỉ cần bạn cũng như mọi người, khi nghe điều gì không đúng với sự thật, là đoán biết lời lẽ bịa đặt rồi, đâu cần chi phải thắc mắc.

      Các cô trên Trangphattu đều là Cư sĩ, không phải là Sư cô, vì vậy, bạn chỉ gọi bằng cô thôi là đã đủ phép lịch sự xã giao rồi.

      Mến chúc bạn an vui.

      TRANG-PHATTU.

      Xóa
  2. Thank admind. Câu đó là trích nguyên văn câu hỏi của người khac

    Trả lờiXóa

Mời Bạn Đọc-Viết
BÌNH LUẬN