-----
Opera-Trangphattu—Nghệ Thuật-Văn Học—Phật Giáo Hiện Đại

1 thg 1, 2011

Tranh—Cuộc Đời Đức Phật (tt-2)

.......
Quay lại Trang trước



075-Phật cho Người gánh phân tên Sunita Xuất gia.

Sau mùa an cư, Phật và giáo đoàn chia nhau đi hành hóa tại các vùng lân cận thủ đô Sravasti. Một hôm, trong khi đi khất thực ở một xóm ven đô, cạnh bờ sông Aciravati, Phật gặp một người gánh phân tên Sunita. Thấy Phật và đoàn khất thực đang trang nghiêm, tề chỉnh đi tới, Sunita lúng túng. Anh ta biết mình đang ăn mặc dơ dáy, hôi hám, lại đang gánh hai thùng phân người. Anh ta vội vã lẫn tránh xuống bờ sông. Ðức Phật biết đây là người có nhiều căn lành nên ngài cũng đi xuống bờ sông để đón đường Sunita.

076-Phật đưa Nan Đà lên cõi Trời.

Phật đưa tỳ-kheo Nanda lên cung trời Ðao-Lợi.
Một hôm, Phật được thầy thị giả Meghiya cho biết là đại đức Nanda, em cùng cha khác mẹ với Phật, không được thoải mái trong đời sống xuất gia. Thầy Nanda cảm thấy ân hận đã rời xa người vợ mỹ miều mới cưới là công nương Janapada Kalyani.

Ðức Phật tìm nơi thanh vắng, hai người cùng ngồi thiền định dưới một cội cây cổ thụ. Ðức Phật dùng thần lực đưa Nanda vào cung trời Tavatimsa. Trên đường đi, ngang qua một khu rừng vừa bị hỏa hoạn, Nanda thấy một con khỉ cái, bị cháy tai, cháy mũi, cháy đuôi, đang cố bám lấy thân cây trụi lá. Khi đến cảnh trời, Nanda bỗng cảm thấy hân hoan sung sướng lạ lùng. Mọi vật nơi đây đều tươi đẹp, sáng rỡ: các tiên nữ xinh đẹp đang múa hát trong những cung điện nguy nga tráng lệ, cảnh vật đều mang sắc thái an lạc, thanh tịnh, gợi trong tâm Nanda một niềm vui khó tả. Nanda quên mất cảnh hạ giới, quên luôn người vợ mới cưới, chàng như bị thôi miên trước khung cảnh lộng lẫy trang nghiêm cõi trời.
Ðức Phật lên tiếng:
-Này Nanda, em thấy các tiên nữ nơi đây và công nương Janapada Kalyani ai đẹp hơn?
-Bạch Thế Tôn, nếu so với các tiên nữ nơi đây thì Kalyani chẳng khác nào con khỉ cái bị cháy đang cố bám lấy thân cây khi nãy.
-Này Nanda, vậy em hãy hăng hái, cố gắng lên. Như Lai bảo đảm rằng nếu em tinh tấn thực hành giáo pháp của Như Lai thì sau khi mạng chung, em sẽ được tái sanh đến đây sống chung với các tiên nữ này.
Như một đứa trẻ được khuyến khích, đại đức Nanda bạch:
-Thưa Thế Tôn, đệ tử nguyện sẽ cố gắng tu tập giáo lý cao thượng để được sanh về cõi trời Tavatimsa này.
Khi các vị tỳ kheo biết đại đức Nanda cố gắng sống đời đạo hạnh thanh cao, và siêng năng tu tập thiền định chỉ vì mong được sanh về cõi trời Tavatimsa để sống chung với các tiên nữ thì chế nhạo đại đức là người "làm thuê" để mong được Phật thưởng công theo lời cam kết. Ðại đức Nanda tỉnh ngộ mục tiêu thấp hèn của mình, lấy làm hổ thẹn, gạt bỏ tư tưởng xấu, tận lực cố gắng tu tập, chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán. Ðại đức đến bạch với Phật:
-Bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn hãy hủy bỏ lời hứa là nếu đệ tử cố gắng tu tập sẽ được sanh về cõi trời Tavatimsa sống chung với các tiên nữ.
-Này Nanda, chừng nào tâm thầy được hoàn toàn thanh tịnh, không còn vướng chút bợn nhơ nào nơi trần thế, lúc ấy Như Lai sẽ hủy bỏ lời hứa.
Khi có vài vị tỳ kheo tỏ vẻ hoài nghi về thành quả tu tập của đại đức Nanda, đức Phật nói:
-Trước kia Nanda như một mái nhà dột nát, nhưng ngày nay thầy ấy như một mái tranh dày. Nước mưa không thể lọt qua được lớp tranh dày của một mái nhà lợp kín. Cũng thế, dục vọng không thể thấm vào tâm thuần thục đã được phát triển đầy đủ.
Trong hàng đệ tử của Phật, đại đức Nanda nổi tiếng là người tự kiểm soát chặt chẽ nhất. Theo kinh Theragatha, chính đại đức Nanda đã thốt ra những lời sau đây:
-Có một thuở, tôi vừa nhẹ dạ vừa nông cạn. Tâm trí tôi chỉ chăm chú vào lòng can đảm bộc lộ ra ngoài. Quả tôi thật nhẹ dạ và nông nổi. Tất cả ngày tháng của tôi bị phung phí tiêu hao trong nhục dục, phóng đãng, si tình. Nhưng nhờ sự khéo léo và lòng từ bi quảng đại của đức Thế Tôn, nguyên là dòng dõi hoàng tộc, tôi có diễm phúc được đưa vào đời sống thanh cao với những tư tưởng sâu xa thâm diệu. Và từ ao tù vô tận của đời sống, tâm tôi được vớt lên và cứu thoát.

077-Phật làm Sứ giả Hòa bình.

Tranh chấp giữa hai nước Sakya và Koliya. Đức Phật giải quyết tranh chấp
“nước trên cùng một giòng sông khi mùa khô cạn đến”, giữa một bên là tộc nội một bên là tộc ngoại.

Trước mùa an cư bốn tháng, tức vào tháng Jetthamula, bỗng xảy ra sự xích mích giữa hai xứ Sakya và Koliya về dòng sông Rohini, ranh giới giữa hai xứ.
Sakya là quê nội của Phật. Koliya là quê ngoại của Phật và cũng là quê hương của công chúa Yasodhara.
Nhờ có thân tình với cả hai bên, đức Phật sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa các vương tử đại diện cho hai xứ Sakya và Koliya để thảo luận và tìm biện pháp hòa giải. Do sự can thiệp của đức Phật mà hai bên đã đi tới một sự thỏa thuận về vấn đề phân chia nước tưới cho dân chúng hai bên bờ sông Rohini trong khi chờ đợi mùa mưa tới. Các vị vương tử rút binh về triều, thuật lại lời Phật giảng hòa cho vua Suddhodana, vua Suppabuddha, triều thần và vợ con của họ nghe. Hai xứ Sakya và Koliya tái lập bang giao thân tình như cũ.

078-Phật thuyết Pháp ngừa Chiến tranh.

Hiện thân giữa hư không, Đức Phật thuyết một bài Pháp kêu gọi hòa bình cho hai đội quân của nước Kapilavatthu và Koliya đang dàn trận hai bên bờ sông Rohini. Hai bên chuẩn bị đánh nhau do tranh giành quyền sử dụng nước sông để trồng trọt.

[Hình ảnh nầy cũng có thể miêu tả cảnh Đại đức A Nan phân thân khi Ngài nhập Niết bàn, ngay trên dòng sông giữa 2 nước sắp có chiến tranh]

079-Lỗi Cúng dường không Cung kính.

Vua Pasenadi nghe nói cũng phát tâm đến tịnh xá Jetavana thỉnh Phật và giáo đoàn mỗi ngày vào đền vua thọ trai.
Phật đáp :
-Thưa Ðại Vương, chư Phật không bao giờ thọ cúng dường hằng ngày ở cùng một nơi, vì có rất nhiều người mong được gặp Như Lai.
-Thưa Thế Tôn, nếu vậy xin Thế Tôn đến lần đầu rồi cử một vị đại đức thường ngày hướng dẫn 500 vị Tỳ kheo đến thọ trai tại điện.
Ðức Phật chấp thuận và giao cho đại đức Ananda lo việc này. Từ đó mỗi ngày vua Pasenadi đích thân tiếp đãi, mời ngồi và để bát cho 500 vị Tỳ kheo do đại đức Ananda hướng dẫn vào đền. Vua không để cho ai khác lo việc này.
Ðến ngày thứ tám, vua bận việc triều chính nên quên việc cúng dường. Các vị Tỳ kheo nói với nhau :
-Ngoài vua không ai dám lo việc cúng dường nếu không có lệnh. Vậy chúng ta không nên ở lại đây lâu hơn nữa.
Rồi nhiều vị bỏ ra về. Qua ngày hôm sau vua cũng quên việc cúng dường, nhiều vị khất thực cũng bỏ ra về. Ðến ngày thứ ba vua cũng vậy, và tất cả các vị Tỳ kheo đều phải ra về, chỉ còn đại đức Ananda ngồi lại chờ. Quân hầu thấy vậy lấy thức ăn ra để bát cho ngài dùng. Vua về đến thấy chỉ có một mình đại đức Ananda đang thọ trai và thực phẩm còn lại rất nhiều. Vua tức giận đến tinh xá Jetavana gặp Phật, nói :
-Thưa Thế Tôn, trẫm sai chuẩn bị thực phẩm cho 500 người, nhưng chỉ có một mình đại đức Ananda đến thọ trai. Làm phí phạm rất nhiều thực phẩm! Xin Thế Tôn cho biết vì sao các vị Tỳ kheo khác không đến?
-Thưa Ðại Vương, có lẽ vì các Tỳ kheo thiếu tin tưởng nơi Ðại Vương nên không tới.
Ngài tiếp:
-Thưa Ðại Vương, có chín điều làm cho vị Sa môn có quyền từ chối lời mời đến tư gia cúng dường, hoặc đến nơi rồi mà không ngồi xuống thọ trai và nói pháp.
Chín điều đó là:
1-Gia chủ không đứng lên nghênh tiếp.
2-Không tiếp đón niềm nở.
3-Không vui vẻ mời ngồi.
4-Giấu giếm các thức ăn quý giá.
5-Có nhiều, cho ít.
6-Có thức ăn tốt, cho thức ăn xấu.
7-Thiếu lễ độ trong cử chỉ.
8-Thiếu lễ độ trong lời nói.
9-Không chăm chỉ ngồi nghe pháp.

Rồi đức Phật quay sang nói với các vị Tỳ kheo:
-Này các thầy, nếu gia đình nào thực hành tốt đẹp chín điều vừa nói, tức là tỏ ra tin tưởng và kính trọng Tam Bảo, thì các thầy nên nhận lời mời đến tư gia cúng dường, lúc đến nơi nên ngồi xuống, chú nguyện cho gia chủ được nhiều phước báo, thọ trai trong im lặng, rồi nói pháp và giải đáp các nghi vấn của gia chủ để khuyến khích gia chủ tin tấn trên con đường Chánh Pháp hầu đạt được hạnh phúc lâu dài trong đời sống hiện tại và tương lai.

080-Thuyết pháp độ cho Vua Tịnh Phạn lúc Lâm chung.

Trên giường bệnh, vua Suddhodana lại được Đức Phật về thăm và giảng pháp cho nghe. Đức vua sau 7 ngày tận hưởng pháp lạc và đắc quả A La Hán, đã băng hà trong định tĩnh.

Vua Suddhodana băng-hà (năm -585). Năm đó đức Phật 39 tuổi. Khi mùa an cư thứ năm tại Vesali vừa chấm dứt thì có tin từ Kapilavastu báo quốc vương Suddhodana bệnh nặng. Năm nay nhà vua được 81 tuổi. Chính vua đã sai đại thần Mahanama, con hoàng thân Sukkodana (Bạch Phạn vương) đi thỉnh Phật về cung để vua được thấy mặt lần cuối cùng.

081-Di mẫu Maha Pajapati Gotami Xuất gia.

Chấp nhận cho Di mẫu xuất gia và cùng lúc Ngài cho phép người Nữ được xuất gia.

Ni đoàn được thành lập vào năm thứ năm sau khi Đức Phật thành đạo. Sau khi đức Vua Suddhodana băng hà, bà Maha Pajapati Gotami di mẫu của Đức Phật mong ước được gia nhập Giáo hội Tỳ khưu ni. Bà đến gặp Đức Phật lúc này đang ở Kapilavathu và cầu xin Ngài cho phép phụ nữ được nhận vào đoàn thể xuất gia của Đức Phật. Sau khi nghe và từ chối lời thỉnh cầu của bà, Đức Phật trở về Vesali để nhập hạ tại đây.
Không nãn lòng vì bị từ chối, bà cạo đầu và khoác áo vàng, cùng với một số mệnh phụ phu nhân dòng dõi Sakya đi bộ đến Vesali. Họ đứng bên ngoài trước cổng một đền thờ trên đỉnh núi nơi Phật đang ngự.
Đại Đức Ananda cố nài xin, cuối cùng Đức Phật cho phép thành lập Giáo hội Tỳ khưu ni sau khi bà và các mệnh phụ phu nhân chấp thuận tuân theo tám giới luật dành cho Ni giới. Kể từ đó, Maha Pajapati Gotami và các mệnh phụ phu nhân dòng dõi Sakya được nhận vào đoàn thể xuất gia của Đức Phật. Về sau, các ni sư Khema và Uppalavanna được chỉ định là hai người đứng đầu Giáo hội Tỳ khưu ni, tương tự như hai ngài Sariputta và Moggalana là hai vị đứng đầu Giáo hội Tỳ khưu.

082-Tiên hóa Giáo độ Hồng nhan.

Phật độ bà Khema ở Rajagriha.
Ðức Phật từ Vesali đến Rajagriha (Vương xá) độ bà Khema, thứ hậu của vua Bimbisara. Bà Khema rất đẹp, rất thông minh, nhưng lại rất tự phụ về sắc đẹp của mình. Vì nghe nói Phật dạy mọi người không nên quý trọng sắc đẹp nên bà không bao giờ đến nghe Phật thuyết pháp.
Một hôm, vua Bimbisara bày mưu đưa bà đến nghe Phật thuyết pháp tại tịnh xá Venuvana. Trong khi đang thuyết pháp, đức Phật dùng thần thông cho bà thấy một thiên nữ tuyệt đẹp đang đứng hầu quạt bên cạnh Ngài. Khemā trông thấy liền nghĩ rằng:
-“Người phụ nữ này chắc chắn là đẹp hơn ta”.
Đức Phật vận dụng thần thông khiến cho cô gái ấy từ từ lớn tuổi và cuối cùng trở thành một bà già. Sắc đẹp của một phụ nữ trẻ bây giờ đã bị thay thế bằng một thân hình già nua, tiều tụy.
Khemā đã ngộ ra rằng: Sắc đẹp là vô thường. Vì thế, mối bận tâm về nhan sắc của Kemā cũng tan biến.

Về sau, đức Phật cũng dùng cách tương tự để giáo độ cho bà Janapada-Kalyani.
Công chúa Janapada-Kalyani là một phụ nữ rất đẹp và rất tự hào về sắc đẹp của mình. Nhưng vừa mới đám cưới xong thì chồng là thái tử Nanda đi xuất gia. Các công chúa khác mệnh danh cho bà là Rupa-Nanda (Người đẹp Nanda). Bà rất buồn khổ, nhưng cuối cùng thấy rằng đức Phật và Nanda đều bỏ ngai vàng đi xuất gia, rồi đến Rahula, Hoàng hậu Maha Pajapati và 500 công nương dòng Sakya và Koliya cũng đã xuất gia, bà cũng xin xuất gia theo Giáo Ðoàn Tỳ Kheo Ni.
Sau khi xuất gia, bà nghe Phật giảng sắc đẹp là vô thường, là vô ngã, là nguồn gốc của đau khổ cũng như 4 uẩn (ấm) khác là thọ, tưởng, hành và thức. Bà không đồng ý. Bà thầm nghĩ sắc đẹp của ta ai cũng nhìn ngắm, trầm trồ, khen ngợi mà bảo là nguồn gốc của đau khổ thì không hợp lý chút nào! Hơn nữa bà vẫn thầm trách Phật đã bắt người chồng mới cưới của bà là Nanda xuất gia, do đó bà luôn luôn tránh, không muốn gặp mặt đức Phật.
Một hôm các Tỳ khưu ni trong nhóm của bà đều mong đến Jetavana nghe Phật thuyết pháp. Bà buộc lòng phải đi theo nhưng ngồi lẫn ở phía sau cho Phật không thấy. Ðức Phật muốn độ bà Janapada-Kalyani nên trong lúc thuyết pháp dùng thần thông cho bà thấy một thiên nữ tuyệt đẹp lối 16 tuổi ăn mặc và trang sức lộng lẫy, đẹp hơn bà rất nhiều; rồi sắc đẹp của thiên nữ từ từ biến đổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, rồi lần lần đến da nhăn, má hóp, răng tóc lưa thưa, lưng còng, tay chân rung rẩy, bệnh hoạn, rên siết, chết cứng, thân thể thúi rữa...
Bà Rupa-Nanda nhìn thấy từng giai đoạn già nua của người thiên nữ liền nghĩ đến thân mình rồi đây cũng thế. Bà cảm thấy chán chê, ghê tởm thân mình, không còn hãnh diện về sắc đẹp của nó nữa.

Bỗng nghe Phật nói kệ:
Này Rupa-Nanda,
Thân do xương thịt máu,
Bệnh hoạn và hôi thúi,
Có gì gọi là đẹp?
Có gì đáng ngợi khen?
Biết thân này vô thường
Biết thân này không sạch
Bỏ đi không luyến tiếc
Sống cuộc đời an lành.
Nghe xong, bà Janapada-Kalyani liền đắc quả Tu-đà-hoàn.

Ngưng một lát, đức Phật nói tiếp:
Này Rupa-Nanda,
Thân này không thật có,
Là thành phố dựng lên
Bằng thịt, gân, máu, mủ,
Và ba trăm miếng xương,
Chứa già nua bệnh tật.
Kiêu hãnh và thất vọng.
Nghe xong, bà Janapada-Kalyani đắc quả A-la-hán.

083-Pháp Thiết thực, Giản đơn.

Một Bà-la-môn bị những đứa con trưởng thành và giàu có của mình bỏ rơi, không nuôi dưỡng tới nhờ đức Phật giúp đỡ. Ngài đã dạy cho ông bài kệ và bảo ông đọc to bài kệ này khi công chúng tập trung tại hội trường địa phương.
Bài kệ này đã tạo ra dư luận và cuối cùng buộc những người con của ông Bà-la-môn phải nhận lại cha mình và phụng dưỡng cho ông.

084-Đệ tử Biểu diễn Thần thông.

Ðại đức Pindola Bharadvaja biểu diễn thần thông.
Chuyện đến tai Đức Phật, từ đó Đức Phật không cho phép lạm dụng thần thông!

Trong lúc Phật còn ở tại Rajagriha, có một thương gia giàu có mướn thợ khéo dùng khúc gỗ chiên đàn đỏ thật quý của mình tiện thành một bình bát rất đẹp. Ông treo bình bát này lên một ngọn tre cao cắm trên nóc nhà, rồi tuyên bố:
-Nếu có vị nào ở thế gian này là A-la-hán, xin hãy bay lên lấy cái bát này xuống mà dùng.
Ðại đức Pindola liền nhập định Thần Thông, cất mình lên không trung, bay bảy vòng xung quanh thành Rajagriha cho mọi người nhìn thấy, rồi bay đến nóc nhà ông trưởng giả, lấy cái bát bằng gỗ chiên đàn đỏ đang treo trên ngọn tre, đáp xuống sân trước nhà. Ông trưởng giả sụp xuống lạy lia lịa, rồi bảo gia nhân mang thức ăn quý giá ra cúng dường vào bát của đại đức Pindola và đại đức Moggallana. Hai đại đức im lặng, từ tốn, đi trở về tinh xá Jetavana. Dân chúng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Chiều hôm đó đức Phật gọi đại đức Pindola đến quở:
-Này Bharadvaja, sự phô trương thần thông của thầy không làm cho người ngoại đạo hiểu Chánh Pháp, cũng không lợi ích gì cho người đang tu học Giải Thoát.
Từ nay, ngoài thần thông thuyết pháp, các thầy không được biểu diễn thần thông trước công chúng một cách vô ích như thế nữa và cũng không được dùng bát bằng gỗ.

085-Tại Đao lợi Thiên thuyết A tỳ đàm.

Ðức Phật thuyết pháp về Vi Diệu Pháp tại cung trời Ðao-Lợi.
Vào năm thứ bảy sau khi thành đạo, trong thời gian ẩn cư trong vùng núi Samkassa, đức Phật lên cung trời Ðao-Lợi (Tavatimsa) thuyết Vi-diệu-pháp (Abhidhamma) cho thiên chúng và bà Maha Maya nghe để đền đáp một cách trọn vẹn công ơn sinh thành đối với người mẹ trước đây của mình, nay đã là thiên nam Santussita.
Đức Phật đã thuyết Vi Diệu Pháp cho hàng ngàn chư Thiên và Phạm thiên, những vị này đã đạt được những thánh quả khác nhau sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp.

Mỗi ngày, đại đức Sariputta lên trời Ðao-Lợi nghe Phật thuyết pháp, rồi trở về địa cầu tóm tắt bài pháp cho ngài Maha Kassapa và đại chúng nghe.
Về sau, trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhứt, chính ngài Maha Kassapa đã tuyên đọc lại Vi-diệu-pháp làm thành Tạng Luận gồm bảy tập, còn lưu truyền đến ngày nay.

086-Từ cõi Trời về lại Nhân gian.

Sau ba tháng, khi đức Phật từ cung trời Ðao-Lợi (Tavatimsa) trở về làng Samkassa thì có vua trời Brahma (Phạm-Thiên) bên phải, vua trời Sakka Indra (Ðế-Thích) bên trái, tiển đưa ngài xuống bằng ba cầu thang báu bằng vàng, bằng bạc và bằng thất bảo, từ đỉnh núi Tu-di (Sineru) đến cổng làng Samkassa. Có vô số chư thiên rải hoa tấu nhạc cúng dường.

Sau khi thuyết pháp tại cung trời xong, Đức Phật trở lại nhân gian bằng đường cầu thang từ cõi Trời đi xuống, Chư Thiên cung kính bao quanh.
Đức Phật trở về Hoàng Cung độ cho dòng Thích Ca đi xuất gia.
Sau nầy, khi vua cha qua đời thì dì mẫu của Phật và công chúa Da Du Đà La cũng xin được xuất gia, trở thành những Tỳ Kheo Ni đầu tiên trong giáo đoàn Phật giáo.

087-Tội lỗi Vu khống đức Thế Tôn.

Một số giáo phái cùng thời rất ganh tị với sự thành công của Đức Phật.
Những kẻ thuộc giáo phái khác muốn hủy hoại danh tiếng của Đức Phật. Họ bảo Cinca Manvika, một cô gái xinh đẹp vu khống Đức Phật đã làm cho cô mang thai trước một hội chúng đông đảo và trang nghiêm.
Đức vua trời Sakka phái một số chư Thiên biến thành những con chuột gặm dây buộc khối gỗ độn dưới lớp trang phục của cô. Khối gỗ rơi xuống chân cô và âm mưu bị phát hiện. Khi những người tham dự pháp hội thấy vậy, họ ném đá và đuổi cô đi. Khi cô vừa bước đi, đất nứt ra và lửa vọt lên bao trùm lấy cô và kéo cô xuống địa ngục Avici (Vô gián).

088-Cha mẹ ngàn Kiếp sống.

Đức Phật nhập hạ thứ 8 tại tinh xá Anjanavana, cạnh rừng Bhesakala và tảng đá Sumsumara, gần thị trấn Saketa (Ayodhya). Một hôm, Phật vừa vào thành khất thực thì gặp ông Nakulapita. Vừa trông thấy Phật, ông ta liền chạy đến quỳ mọp xuống nắm chặt hai cườm chân Ngài:
-Con! Con! Con ơi, sao con bỏ cha mẹ đi đâu lâu quá vậy con? Bãy lâu nay con ở đâu? Ðến bây giờ cha mới được gặp con đây. Con hãy theo cha về nhà thăm mẹ con đi.
Rồi ông Nakulapita đứng dậy, nắm tay dắt Phật về nhà ông, các vị Tỳ kheo cùng đi theo sau.
Trước sự ngạc nhiên của các đệ tử, đức Phật giải thích:
-Ông Nakulapita và bà Nakulamata đã từng làm cha mẹ hoặc ông bà của ngài trong nhiều kiếp trước.

Về đến nhà, bà vợ ông cũng vội chạy tới ôm lấy chân Ngài mà khóc.
Thọ trai xong, Phật thuyết pháp cho hai ông bà nghe.
Nghe xong cả hai đều đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna).
Sau đó, cứ ngày nào Phật rổi rảnh, ông bà Nakula đều thỉnh Phật đến nhà cúng dường và nghe pháp, ít lâu sau cả hai đều đắc quả A-na-hàm. Ðức Phật đã có dịp nhắc lại rằng trong suốt 1500 kiếp trước hai ông bà luôn luôn khắng khít thương yêu nhau, chưa bao giờ làm hay nói điều gì mất lòng nhau, hai ông bà là người cư sĩ biết sống trong hạnh phúc và có niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo.

Sau ba tháng hạ, cả hai ông bà Nakula đều đắc quả A-la-hán và nhập Niết-bàn, được Phật chứng minh lễ trà tỳ rất chu đáo.

089-Dạy về Lễ tế của Bà la môn.

Đạo Bà-la-môn ở Ấn Độ rất coi trọng việc cúng tế, coi đây là một pháp tu, cho nên họ thường xuyên tổ chức các cuộc tế đàn rất lớn, giết hại nhiều trâu dê để tế lễ mà cho là có công đức lớn. Đức Phật không bài bác việc tế lễ nhưng hướng dẫn cho họ một lối tế lễ không có sát hại sinh vật, với từ tâm bình đẳng.

090-Từ khước một lời Cầu thân.

Thời ấy, ở Kosambi có một thiếu nữ xinh đẹp tên Magandiya sanh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn. Cha mẹ cô rất hãnh diện về sắc đẹp tuyệt trần của cô, chỉ muốn gả cô cho một người thật xứng đáng.
Một hôm đức Phật đến nơi ấy khi vị Bà-la-môn đang cúng tế thần lửa ngoài trời. Nhìn thấy hình dáng tốt đẹp của đức Phật, ông nghĩ thầm rằng đây quả thật là người rể đông sàng mà ông hằng mong ước từ lâu. Ông liền ân cần thỉnh Phật ở nán lại chờ ông đi một chốc sẽ trở lại, rồi ông vội vã chạy về nhà kêu con gái.
Ông Bà-la-môn thấy Đức Phật có 32 tướng của bậc đại nhân nên quyết tâm gả con gái cho Ngài. Con gái của ông từ trước tới nay có rất nhiều người tới hỏi nhưng ông không đồng ý.
Hai vợ chồng Bà-la-môn yêu cầu đức Phật cưới con gái của họ làm vợ. Ngài từ chối và giải thích với họ rằng Ngài không đam mê sắc dục. Ngài dạy rằng sắc đẹp của phụ nữ là phù du, ngắn ngủi.
Cô gái ấy (tên là Māgandhi) nghe đức Phật nói thế lấy làm tức giận.
-“Tôi có thể hiểu vì sao ông ta từ chối, nhưng tại sao ông ấy lại nói sắc đẹp của tôi như thế?”
Và như thế, cô ta bắt đầu nuôi dưỡng lòng hận thù đối với đức Phật. Māgandhi bắt đầu sử dụng hành vi bạo lực để rửa mối nhục này. Cô ta khinh miệt và chửi bới đức Phật và Tăng chúng nơi công cộng.

091-Thứ hậu Magandiya của vua Udayana phỉ báng Phật.

Bị từ chối lời cầu hôn, con gái ông Bà-la-môn ôm hận trong lòng và thề sẽ trả thù. Sau này cô ta làm vợ vua. Nhằm lúc Đức Phật và Ngài A Nan tới gần hoàng cung hoằng pháp, bà ta cho người tới chửi vả.
Bà Magandiya dùng tiền mua chuộc ngoại đạo và xúi dục những người nô lệ mắng chưởi, xua đuổi Phật ra khỏi thành phố Kosambi. Khi thấy đức Phật vào thành khất thực, họ xúm lại hô to:
-Ông là tên trộm, là tên khờ dại, là người điên cuồng, là con lạc đà, là bò, là lừa, là người ở địa ngục, là thú vật. Ông không mong gì được lên nhàn cảnh. Ông sẽ chịu khổ hình ở địa ngục.

Nhưng đức Phật vẫn không lên tiếng đáp trả.

092-Giới Luật ra đời tùy Sự kiện.

Ở làng Kalanda gần thành phố Vesali, có ông Sudina, con nhà khá giả, đã lập gia đình nhưng chưa có con. Một hôm, được nghe Phật thuyết pháp tại Mahavana, Sudina xin xuất gia theo Phật. Ít lâu sau, nhân dịp thầy đi ngang qua làng Kalanda, gia đình thỉnh thầy về nhà thọ trai. Sau khi thọ trai, cha mẹ thầy khuyên thầy hoàn tục để chăm sóc tài sản gia đình. Thầy không bằng lòng. Cha mẹ thầy than phiền rằng thầy là con một mà đi tu thì trong gia đình không còn ai nối dõi, và sản nghiệp sẽ lọt vào tay người khác. Cuối cùng mẹ thầy đề nghị nếu thầy cương quyết không hoàn tục thì ít nhất thầy cũng phải để lại một đứa con. Nể lời cha mẹ, thầy đồng ý. Sau đó, người vợ cũ của thầy có thai, sinh được một đứa con trai, được ông bà nội đặt tên là Bijaka, có nghĩa là hạt giống.

Biết được chuyện này, các bạn của Sudina gọi đùa thầy là "cha của hạt giống". Bắt đầu có sự gièm pha trong quần chúng.
Thầy Sudina bị Phật khiển trách, và giới luật bắt đầu được chế ra từ đó. Mỗi khi có vị nào làm một việc gì trái với tinh thần của đạo lý giác ngộ và giải thoát thì giáo đoàn lại được triệu tập, và một điều luật mới được ghi vào giới bổn gọi là Patimokkha (Pratimoksa, Ba-la-đề-mộc-xoa).

093-Từ bỏ Hội chúng Luận tranh.

Phật an-cư một mình trong rừng Rakkhita.
Rời tinh xá Ghosita, nơi đang có sự tranh chấp giữa hai nhóm Tỳ kheo kinh sư và luật sư, đức Phật đến ở một mình trong rừng Rakkhita, thuộc làng Parileyyaka và an cư luôn tại đây. Khu rừng này rất vắng vẻ thanh tịnh, cây lá xinh tươi, có đồi, có suối lại có hồ. Sống một mình, Phật thấy rất thoải mái và dễ chịu trong cảnh thanh nhàn. Phật thường tĩnh tọa dưới gốc cây sala to lớn bên bờ suối.

Nơi đây thường có một con voi chúa dẫn một đàn voi vừa lớn vừa nhỏ đến suối uống nước và tắm rửa, và cũng có một bầy khỉ thường đến nơi nô đùa nhảy nhót trên cành cây và trên những tảng đá bên bờ suối. Bầy voi và bầy khỉ lần hồi đến làm quen với Phật. Ðược Phật chăm sóc và dạy dỗ, chúng lại càng quý mến, mang trái cây đến cúng dường Phật. Có lần Phật bắt chước tiếng con voi chúa rú lên, cả đàn voi lớn nhỏ đều chạy tới nằm mọp trước mặt Ngài.

094-Hạnh phúc Sống chung Muôn thú.

Một dịp nọ, đức Phật trú ngụ một thời gian trong rừng gần thành phố Pārileyya, một con voi đã phục vụ cho Ngài. Kinh sách nói rằng con voi đã quét dọn chỗ cho đức Phật ngồi, thậm chí voi còn chuẩn bị nước nóng để Ngài tắm.
Những con khỉ thì hái trái cây dâng cúng cho đức Phật. Ngài có vẻ như đã truyền thông với các loài vật này và khiến chúng hiểu được lời dạy của mình.

Sau mùa an cư, Phật từ giã đàn voi, bầy khỉ và khu rừng xinh đẹp. Ngài đi về hướng bắc. Nửa tháng sau ngài tới tịnh xá Jetavana ở thủ đô Sravasti.

095-Chú bé Chăn trâu Svastica Xuất gia.

Trước khi về Rajagriha, Phật ghé làng Uruvela để thăm cây Bồ-đề, nơi ngài thành đạo. Rồi Phật đến thăm Svastika, chú bé chăn trâu xưa kia đã thường đến thăm viếng và giúp đỡ ngài sau khi năm anh em ông Kondanna bỏ đi. Svastika bây giờ đã được 20 tuổi, trở thành một thanh niên vạm vỡ.
Nhớ lời hứa năm xưa, Phật trở lại đây để độ chú, cho chú xuất gia làm quen với Rahula, rồi Phật đưa chú đến Venuvana.

096-Lằn cày Vô sanh Bất tử.

Một thời, đức Phật ngụ tại đồi Ekanala, trong làng Dakkhinagiri, một làng theo Bà-la-môn giáo của xứ Magadha. Một hôm, vào buổi sáng, Thế Tôn khoác y, cầm bát, đi khất thực ngang qua nông trường của Bà la môn Bhàradvaja. Lúc ấy 500 tay cày làm việc cho ông Bà-la-môn Kasi Bharadvaja sắp sửa ra đồng. Ðức Phật đắp y mang bát đến nơi người ta đang phân phối thức ăn và đứng sang một bên.
Trông thấy Thế Tôn, Bà la môn nói:
-Này Sa môn, tôi cày và gieo lúa. Sau khi cày và gieo lúa, tôi sử dụng sản phẩm đã thu hoạch. Vậy, Sa môn có cày và gieo lúa, sau khi cày và gieo lúa, sử dụng sản phẩm đã thu hoạch không?
-Này Bà la môn, Ta cũng có cày và gieo lúa; sau khi cày và gieo lúa, Ta sử dụng sản phẩm đã thu hoạch.
-Nhưng tôi đâu có thấy cái ách, bắp cày, lưỡi cày, chiếc roi và các con bò của tôn giả Gotama mặc dù tôn giả nói:
-“Ta cũng có cày và gieo lúa, sau khicày và gieo lúa, ta sử dụng sản phẩm đã thu hoạch?”.

Rồi Thế Tôn dùng kệ trả lời Bà la môn:
Lòng tin là hạt giống,
Khổ hạnh là trận mưa
Trí tuệ đối với ta,
Là cày và cái ách
Tàm quí là bắp cày,
Ý căn là dây buộc.
Chánh niệm là lưỡi cày
Thân, khẩu được hộ trì,
Ta nhổ lên tà vạy,
Chứng đạt chân giải thoát.
Như vậy cày ruộng này,
Ðưa đến quả bất tử.

-Ðức tin (saddha) là hột giống, kỷ luật (tapo) là mưa, trí huệ (panna, prajna) là cái ách và cây cày, khiêm tốn (hiri) là cán cày, tâm (mano) là dây cương, và niệm (sati) là lưỡi cày và cây roi.
Như Lai sống với sáu căn thu thúc, hành động và lời nói chính đáng, ăn uống độ lượng. Như Lai đã dùng sự chân thật để cắt những cọng cỏ dại. Thành đạt đạo quả tối thượng là mở dây thả bò (giải thoát). Tinh tấn (viriya) là loài thú chở nặng đã đưa Như Lai đến trạng thái an tịnh (Niết-bàn). Không còn phiền não, trực chỉ, thẳng tiến, không bao giờ quay trở lại nữa. Ðó, lằn cày của Như Lai đã thực hiện như thế đó. Kết quả của nó là trạng thái bất sanh bất diệt. Ðã kéo xong lằn cày này thì không còn phiền muộn âu sầu nữa.
Nghe xong, vị Bà-la-môn Kasi-Bharadvaja bới đầy một chén cơm trộn sữa dâng lên đức Phật và nói:
-Cầu xin tôn giả Gotama độ chén cơm trộn sữa này. Tôn giả quả thật là một nông dân vì ngài đã trồng một loại cây trổ trái "vô sanh bất tử".
-Vật thực nhận lãnh do sự giảng đạo không thích đáng cho Như Lai dùng. Này ông Bà-la-môn, đó là thông lệ của bậc Ðại Giác. Ðấng Chánh Biến Tri không thể dùng vật thực ấy. Nếu ông muốn cúng dường, xin để đến một hôm khác.
Vị điền chủ rất cảm phục, sụp xuống đảnh lễ đức Phật và xin quy y tam bảo.

097-Giáo giới La Hầu La.

Giai đoạn nầy, La Hầu La thường được đức Phật giáo giới.

098-Đức Thế Tôn thản nhiên ăn Cám Ngựa.

Trong một mùa an cư, Đức Phật và tăng đoàn có mặt tại thị trấn Vejanra khi nơi này đang bị mất mùa và dân chúng khắp vùng lâm nạn đói trầm trọng.
Các vị Tỳ kheo than thở với nhau là thức ăn xin được mỗi ngày càng lúc càng hiếm. Có nhiều thầy đi khất thực về với chiếc bình bát rỗng không. Các thầy phải ngồi chung lại chia nhau thức ăn xin được.

Một thương gia buôn ngựa từ miền bắc xuống, đem theo 500 con ngựa, hiện đang ở tại Veranja.
Sáng hôm đó, ông gặp đại đức Ananda đang dừng lại trước nhà ông để khất thực. Qua câu chuyện hỏi thăm đại đức về giáo lý, pháp môn tu học và tình trạng của giáo đoàn tại đây, ông thương gia nói với đại đức là hôm nào không xin được thức ăn thì các vị có thể ghé nhà ông để nhận lãnh mỗi vị một vóc cám ăn cho đỡ đói. Cám này được dự trữ cho ngựa ăn, nhưng phẩm chất khá tốt, có thể rang cho người ăn rất bổ dưỡng. Nghe nói thế, đại đức Ananda liền ngỏ ý xin thêm một phần cám về cho Phật.

Về tịnh xá, khi thấy Phật bốc cám ăn một cách thản nhiên và ngon lành, các đệ tử của Ngài bồi hồi cảm động trước một vị đế vương, một vị giáo chủ đang sống một cuộc đời vô cùng đạm bạc.

099-Phương pháp Như lai Huấn luyện.

Kesi, một người chuyên huấn luyện ngựa. Một hôm viếng thăm Ðức Thế Tôn, và cuộc đối thoại sau đây đã xảy ra.

Này Kesi, con là người huấn luyện ngựa, một người chuyên điều phục những con ngựa cho trở nên thuần tính.
Vậy con huấn luyện ngựa trở nên thuần tính bằng cách nào?
Bạch Ðức Thế Tôn con huấn luyện một con ngựa trở nên thuần tính bằng nhiều cách, có khi thì mềm mỏng, có khi thì thô bạo, có khi thì phải dùng đến cả hai.
Giả sử, này Kesi, một con ngựa cần được thuần hóa, không chịu phục tùng theo những cách luyện tập của con, lúc ấy con sẽ làm gì với con ngựa đó?
Trong trường hợp như vậy, bạch Ðức Thế Tôn, con sẽ giết nó. Vì lý do gì? Sợ rằng nó làm mất uy tín cho dòng tộc thầy con.

Nhưng còn Ngài, bạch Ðức Thế Tôn, Ngài là bậc điều ngự vô song những người đáng được điều ngự. Bạch Ðức Thế Tôn Ngài điều ngự một người đáng được điều ngự như thế nào?
Này Kesi, Như Lai điều phục người đáng điều phục bằng nhiều cách, có khi bằng những cách mềm mỏng, có khi bằng những cách cứng rắn, có khi bằng cả hai cách.
Này Kesi, đây là cách mềm mỏng: Như thế này là thân làm thiện, như thế này là quả báo của thân làm thiện. Như thế này là lời nói thiện, như thế này là quả báo của lời nói thiện. Như thế này là ý nghĩ thiện, như thế này là quả báo của ý nghĩ thiện. Như thế này là chư thiên, như thế này là nhân loại. Và này Kesi, thế nào cách cứng rắn: Ta nói như thế này là thân hành ác, như thế này là quả báo của thân hành ác. Như thế này là lời nói ác, như thế này là quả báo của lời nói ác. Như thế này là ý nghĩ ác, như thế này là quả báo của ý nghĩ ác. Như thế này là địa ngục, như thế này là cảnh giới của hàng súc sanh, như thế này là cảnh giới của hàng ngạ quỷ.
Và này Kesi, thế nào là cách vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn: Ta nói như thế này là thân làm thiện, như thế này là quả báo của thân làm thiện, như thế này là thân hành ác, như thế này là quả báo của thân hành ác…như trên.
Bạch Ðức Thế Tôn, giả sử có người không chịu theo cách điều phục của Ðức Thế Tôn. Lúc ấy, bạch Ðức Thế Tôn Ngài sẽ làm gì với người đó?
Trong trường hợp đó, này Kesi, Như Lai sẽ giết người ấy. Nhưng chắc chắn là Ðức Thế Tôn không bao giờ đoạt mạng sống của người ấy chứ? Thế thì sao Thế Tôn lại nói:
-“Ta sẽ giết người đó!”.

Thực sự như vậy, này Kesi, đúng là Như Lai không bao giờ tước đoạt mạng sống của người khác. Tuy vậy, nếu một người không chịu cách điều phục bằng lời mềm mỏng, bằng lời cứng rắn. Lúc ấy Như Lai nghĩ rằng người ấy không cần gì phải nói nữa và các Tỳ khưu đồng phạm hạnh của người ấy không cần phải khuyến hóa người ấy nữa.
Trong luật của bậc Thánh, này Kesi, khi Như Lai và các Tỳ khưu đồng phạm hạnh của người này nghĩ rằng người ấy không cần thiết phải nói và khuyến hóa nữa, như thế là đã giết người ấy vậy”.

100-Visakha, nữ Đại Thí chủ.

Ngôi tự viện nằm phía Đông thành Savatthi là do bà Visakha, vị nữ đại thí chủ nhiệt thành của Đức Phật, dâng cúng.
Bà được Đức Phật ngợi khen là đứng hàng đầu các bà tín nữ.

Ngày nọ, sửa soạn đến chùa lễ Phật và nghe Pháp, bà mặc bộ đồ đẹp nhất của cha cho lúc đưa bà về nhà chồng. Nhưng nghĩ lại rằng ăn mặc rực rỡ như thế trước mặt Đức Thế Tôn ắt không thích nghi. Bà liền thay vào một bộ y phục khác do cha chồng cho, và gói đồ kia lại giao cho người nữ tỳ cầm giữ. Sau khi nghe Pháp, bà ra về cùng với người tỳ nữ. Người này lại bỏ quên gói đồ. Đại Đức Ananda nhìn thấy mà không biết của ai.
Theo lời dạy của Đức Phật, Ngài tạm giữ một nơi để chờ trao lại chủ.
Khi bà Visakha hay biết rằng người tỳ nữ mình bỏ quên gói đồ trong chùa thì sai trở lại lấy đem về, nếu chưa có ai động đến. Nếu có người đã chạm đến gói đồ thì thôi, không đem về.
Người tỳ nữ trở về thuật lại tự sự. bà liền đến hầu Đức Phật và tỏ ý muốn làm một việc thiện với số tiền bán bộ y phục ấy. Đức Phật khuyên nên cất một tịnh xá nằm tại phía Đông cổng vào. Vì không ai có đủ tiền để mua bộ y phục quý giá như vậy nên chính bà mua lại và dùng số tiền ấy kiến tạo một ngôi tịnh xá đẹp đẽ tên là Pubbarama.
Theo lời cung thỉnh của bà, mùa mưa năm ấy Đức Phật nhập Hạ tại tịnh xá rộng rãi này.
Bà rất hân hoan được Đức Phật chấp thuận nhập Hạ sáu lần nơi ấy.

Kinh sách ghi rằng bà Visakha hết sức rộng lượng. Thay vì la rầy người tỳ nữ vô ý bỏ quên gói đồ, bà còn chia phần công đức kiến tạo tịnh xá đến cô nữ tỳ đã tạo cho bà cơ hội quý báu ấy.

101-Món ăn Không Tốt đẹp.

Một hôm, người cha chồng đang ngồi ăn món cháo sữa rất ngon trong cái chén bằng vàng. Ngay lúc ấy có một vị Tỳ kheo đến trước cửa nhà khất thực. Bà Visakha liền đứng tránh qua một bên để cha chồng trông thấy nhà sư. Tuy đã thấy nhưng ông vẫn làm lơ, tiếp tục ăn như thường. Thấy vậy, bà Visakha cung kính nói :
-Bạch thầy, xin thầy hoan hỷ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng món ăn không tốt .
Nhà triệu phú hiểu lầm bà có ý hổn láo nói xấu mình, lấy làm tức giận, truyền gia nhân đuổi bà ra khỏi nhà. Nhưng tất cả tôi tớ trong nhà đều hết lòng quý trọng bà nên không ai dám động đến bà cả.

102-La Hầu La thọ Tỳ khưu Giới.

Năm nay chú sa di (samanera) Rahula được 20 tuổi. Phật bảo đại đức Sariputta làm lễ cho Rahula thọ Cụ Túc Giới (Upasampada) để chính thức trở thành một vị tỳ-kheo (bhikkhu, bhiksu). Ðại đức Sariputta đã dạy dỗ chú thật chu đáo trong nhiều ngày trước ngày chú thọ giới. Svastika cũng hân hạnh được nghe những lời giáo huấn này. Ðây là một buổi lễ quan trọng mà chú sa di Rahula đã mong đợi từ lâu. Chú tuy còn trẻ nhưng đã nghiêm trì mật hạnh rất chính chắn nên đều được các thầy quý mến. Sau buổi lễ, các thầy đều vui vẻ đến chúc mừng vị tỳ-kheo mới.

103-Đức Phật từ chối bước lên Thảm Hoa.

Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, tại Sunsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, vương tử Bodhi (Bồ-đề) có một ngôi lâu đài tên Kokanada dựng lên không bao lâu và chưa được một Sa-môn, một Bà-la-môn hay một hạng người nào ở cả. Rồi vương tử Bodhi gọi thanh niên Sanjikaputta và nói:
-Này Sanjikaputta, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi Thế Tôn có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú, và thưa:
-"Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú, và mong Thế Tôn nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo".

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xá của vương tử Bodhi. Lúc bấy giờ, vương tử Bodhi chờ đón Thế Tôn đến, đang đứng ở cửa ngoài. Vương tử Bodhi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy, liền tiến đến đón, đảnh lễ Thế Tôn, đi đầu hướng dẫn đến lâu đài Kokanada. Rồi Thế Tôn đứng sát vào tầm cấp thấp nhất. Vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
-Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để con được hạnh phúc, an lạc lâu dài. Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn im lặng. Lần thứ hai, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
-Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để cho con được hạnh phúc, an lạc lâu dài. Lần thứ hai, Thế Tôn im lặng. Lần thứ ba, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
-Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để cho con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
Rồi Thế Tôn nhìn Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda thưa với vương tử Bodhi:
-Thưa vương tử, hãy cho cuộn lại tấm vải, Thế Tôn không có đi bộ trên vải, Như Lai còn nghĩ đến những người thấp kém.

104-Đức Phật thuần phục Dạ xoa.

Phật độ quỷ dạ-xoa Alavaka (quỷ Khoáng-Dã).
Vào năm thứ mười sáu sau khi thành đạo, Đức Phật thuần phục dạ xoa ăn thịt người Alavaka. Dạ xoa này co thói quen ăn thịt ít nhất một người mỗi ngày. Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy, dạ xoa Alavaka từ bỏ thói quen này và tha mạng cho đứa trẻ được dâng cho dạ xoa làm bữa ăn cho ngày hôm đó.

Sau mùa an cư thứ 15, Phật đi hoằng hóa về miền nam. Đức Phật nhập hạ thứ 16 tại thành phố Alavi, thuộc tả ngạn sông Ganga, cách Benares (Varanasi) không xa. Gần nơi an cư có một ngôi miếu hoang vắng ở phía đông đền Narayana (Na-la-diên) thờ thần Visnu (Tỳ-nữu). Ðó là miếu thờ quỷ dạ xoa (yakkha) Alavaka rất hung dữ, thích ăn thịt người. Một hôm, Ngài vào ngôi miếu đó ngồi tham thiền. Quỷ Alavaka giận dữ đến trước mặt Thế Tôn hét lớn:
-Ði ra khỏi nơi đây! Mau lên.
-Ðược rồi, Như Lai đi ra đây.
-Bây giờ hãy trở vào!
Ðức Phật lại quay trở vào miếu. Lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, quỷ Alavaka ra lệnh cho Phật đi ra đi vào như thế, Phật đều làm theo ý nó. Quỷ Alavaka lấy làm thích chí lại hét bảo Phật đi ra.
Đức Phật nói:
-Như Lai đã chìu ý đạo hữu ba lần rồi. Như vậy là đủ rồi. Bây giờ Như Lai muốn được ngồi đây trong sự yên tĩnh.
-Ðược, này ông sa-môn, ta sẽ hỏi ông 13 câu. Nếu ông đáp được, ta sẽ để yên cho ông tự ý muốn ngồi lại đây bao lâu cũng được. Nhưng nếu ông không giải đáp được, ta sẽ phân tán tâm ông, cắt xẻ tim ông, nắm chân ông quăng tuốt qua phía bên kia sông Ganga.
-Này Alavaka, không thể được. Trên thế gian này Như Lai không thấy ai, dù là chư thiên, sa-môn, bà-la-môn, hay một đám đông người, không ai có thể phân tán tâm Như Lai, hoặc cắt xẻ tim Như Lai, hoặc nắm chân Như Lai quăng qua phía bên kia sông Ganga. Tuy nhiên, đạo hữu muốn hỏi việc gì cứ hỏi.

Alavaka liền nêu lên mấy câu hỏi sau đây:
1-Vật sở hữu quý nhất của con người là gì?
2-Ðiều gì, nếu thực hành đúng, sẽ đem lại hạnh phúc?
3-Hương vị nào ngọt ngào hơn tất cả?
4-Sống thế nào là cao thượng nhất?
Ðức Phật đáp:
1-Niềm tin sáng suốt là vật sở hữu quý nhất của con người.
2-Giáo pháp cao thượng, nếu thực hành đúng, sẽ đem lại hạnh phúc.
3-Lòng từ bi là hương vị ngọt ngào nhất.
4-Sống với trí tuệ là cao thượng nhất.
Alavaka lại hỏi tiếp:
5-Làm sao vượt qua trận thủy tai?
(Làm sao qua khỏi 1 tai nạn nguy hiểm?)
6-Làm sao vượt trùng dương?
(Làm sao thực hiện được 1 việc khó khăn to lớn?)
7-Làm sao chế ngự được phiền não?
8-Tự thanh lọc bằng cách nào?
(Làm sao thân tâm được thanh tịnh?)
Ðức Phật đáp:
5-Vượt qua trận thủy tai bằng niềm tin.
6-Vượt trùng dương bằng đức kiên trì.
7-Chế ngự phiền não bằng tính nhẫn nhục.
8-Tự thanh lọc bằng trí tuệ.
Alavaka lại hỏi:
9-Làm sao thành đạt trí tuệ?
10-Làm sao lập nên sự nghiệp?
11-Làm sao thành đạt danh vọng?
12-Làm sao cho tình bằng hữu trở nên khắng khít?
13-Làm sao được sạch phiền não khi qua đời?
Ðức Phật đáp:
9-Có niềm tin sáng suốt, kiên trì tu tập Giáo Pháp của bậc Ðại giác, sẽ thành đạt trí tuệ có khả năng dẫn đến Niết-bàn.
10-Sáng suốt, kiên trì, cần mẫn làm việc, sẽ lập nên sự nghiệp
11-Tính chân thật sẽ làm cho thành đạt danh vọng.
12-Ðức quảng đại khoan dung làm cho tình bằng hữu trở nên khắng khít.
13-Người cư sĩ có bốn phẩm hạnh: chân thật, giới đức, can đảm và khoan dung, sẽ không phiền não khi qua đời. Nếu đạo hữu còn nghi ngờ, hãy đi hỏi các vị sa- môn và bà-la-môn khác xem họ có gì quý báu, cao thượng hơn tính chân thật, tự kiểm soát, quảng đại và nhẫn nại không?

Quỷ Alavaka đã hiểu lời Phật dạy, bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn, nhờ Thế Tôn chỉ dạy, con đã thấu hiểu bí quyết để mưu cầu an lạc trong tương lai. Con đâu còn phải đi hỏi các vị sa-môn hay bà-la-môn khác nữa làm gì. Hôm nay, đức Thế Tôn quang lâm đến Alavi chính vì sự an lành của con. Con đã hiểu rằng pháp thí đem lại quả lành phong phú. Từ nay con sẽ đi từ làng này sang làng khác, từ đô thị này đến thị trấn kia để tán dương công đức và giáo pháp cao thượng của bậc Chánh Biến Tri.
-Này Alavaka, muốn được an lạc thì phải giữ giới thanh tịnh, nhất là 4 trọng giới sát sanh, trộm cướp, dâm dục, nói dối. Liệu ngươi có giữ được không?
-Bạch Thế Tôn, đối với 3 giới trộm cướp, dâm dục và nói dối thì con giữ được. Nhưng con và quyến thuộc của con chỉ nhờ ăn máu thịt mà được sống, nay thọ giới không sát hại thì biết lấy gì để sống?
-Này thiện nam tử, Như Lai sẽ bảo các vị tỳ-kheo từ nay trở đi, vào mỗi bửa ngọ trai phải thường thí thực cho ngươi và quyến thuộc của ngươi.
-Bạch Thế Tôn, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, và nguyện từ nay sẽ hết lòng hộ trì Chánh Pháp.
Nói xong, quỷ dạ-xoa Alavaka đảnh lễ Phật rồi lui ra đi mất.

105-Đệ tử Hàng phục Rồng chúa Nandopananda.

Một lần nọ, Đức Phật và các đệ tử của Ngài đi ngang lâu đài của Rồng chúa Nandopananda để đến hồ Anotatta trong lúc Rồng chúa đang tổ chức yến tiệc linh đình với đoàn tùy tùng của mình. Giận dữ vì thấy Đức Phật và các vị đệ tử đi ngang qua cơ ngơi của mình, Nandopananda cuộn mình quanh núi Meru bảy vòng, rồi phồng mang che phủ luôn cả đỉnh núi và phun khói độc để ngăn Đức Phật và các đệ tử của Ngài đến hồ Anotatta.

Thấy vậy ngài Maha Moggalana (vị thứ hai trong nhị vị Thượng thủ Thinh văn của Đức Phật) ngay lập tức tự biến thành một con rồng và cũng cuộn mình vòng quanh ngọn núi bao quanh mình Rồng chúa, siết chặt lấy thân hình Nandopananda.
Trước sự chứng kiến của Đức Phật và các vị đệ tử, Maha Moggalana cũng bắt đầu phun khói độc làm cho Rồng chúa vô cùng khó chịu. Nandopananda chẳng bao lâu đành khuất phục và nhận thức được sự rồ dại của mình đã tự nguyện quy y Tam Bảo.

106-Phật Giáo hóa Phạm thiên Baka.

Khi Phạm thiên Baka khởi tà kiến tin rằng cõi Phạm thiên Loka là thường hằng và viên mãn nhất. Ông đã bị Đức Phật đánh bại trong một cuộc thi đấu so tài về sức mạnh. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, ông và nhiều Phạm thiên khác đã tìm thấy sự Giác ngộ.

107-Phật độ kẻ Giết ngàn Người.

Tướng cướp Vô Não cố ý giết mẹ để làm đủ bộ sưu tập ngón tay người, nhưng khi thấy Phật ông đổi ý muốn giết Ngài và ra lệnh Ngài đứng lại. Ngài nói:
-”Ta đã dừng lại từ lâu rồi còn ngươi thì chưa”
nghĩa là Ngài đã dừng sự sát sanh, dừng sanh tử luân hồi còn hắn thì chưa.
Tên tướng cướp thức tỉnh xin xuất gia sau đó đắc quả A-la-hán.

Thời đó, có một sinh viên trẻ hiền lành đang theo học tại đại họcTakkasila tên gọi là Ahimsaka. Những người bạn đồng môn của anh vì lòng ganh tỵ nên đã đầu độc đầu óc của vị thầy bằng cách nói xấu và vu khống anh ta. Kết quả là người thầy đã bị thuyết phục và nói với Ahimsaka hãy đi giết người và kết 1.000 ngón tay trỏ phải của các nạn nhân với nhau thành một vòng hoa để làm học phí. Do nóng lòng muốn thực hiện nghĩa vụ của mình, Ahimsaka đi vào rừng Jalini tại Kosala và bắt đầu mai phục nhằm giết những người bộ hành đi ngang qua đây để cắt lấy ngón tay trỏ phải của mỗi nạn nhân. Ahimsaka dần dần đã hoàn tất vòng hoa của mình chỉ còn thiếu một ngón duy nhất và hắn đã quyết định giết cả mẹ của chính mình để bổ sung ngón tay trỏ phải của bà vào vòng hoa. Tuy nhiên, Đức Phật đầy lòng bi mẫn đã đến ngăn hành động rồ dại của Ahimsaka. Sau nghe Đức Phật thuyết pháp, Ahimsaka thức tỉnh.

Ahimsaka sau này được biết đến với tên là Angulimala. (vòng hoa bằng ngón tay). Anh ta đã quy y Phật, gia nhập Tăng đoàn và trở thành một vị Tỳ khưu.
Kinh Angulimala, Kinh nói về vị Trưởng lão này rất nổi tiếng trong các nước Phật giáo và Kinh Paritta do Đại Đức Angulimala đọc để chú nguyện cho một phụ nữ sinh khó, thường được các phụ nữ đọc khi lâm bồn để giúp cho việc sinh nở của mình được an toàn và dễ dàng.

Tôn giả Angulimala trở thành một vị A-la-hán nữa.
Rồi có hôm Tôn giả Angulimala buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, một cục đất do một người ném, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một cây gậy do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một hòn sỏi do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala. Rồi Tôn giả Angulimala bị lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, ngoại y bị rách, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy Tôn giả Angulimala từ xa đi đến, thấy vậy, liền nói với Tôn giả Angulimala:
-"Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ Ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm".

TIẾP THEO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Bạn Đọc-Viết
BÌNH LUẬN