-----
Opera-Trangphattu—Nghệ Thuật-Văn Học—Phật Giáo Hiện Đại

31 thg 12, 2011

Tranh—Cuộc Đời Đức Phật (tt-3)

.......
Quay lại Trang trước



108-Phương pháp Tu đạt Quả vị.

Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc.
Rồi Tôn giả Bhumija (Phù-di) vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của vương tử Jayasena, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi vương tử Jayasena đi đến Tôn giả Bhumija, sau khi đến nói lên với Tôn giả Bhumija những lời chào đón hỏi thăm rồi ngồi xuống một bên, vương tử Jayasena thưa với Tôn giả Bhumija:
-Thưa Tôn giả Bhumija, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có quan điểm như sau:
-"Nếu có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị".
Ở đây, bậc Ðạo sư của Tôn giả Bhumija có nói gì, và có lập luận gì?
-Thưa Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn được nghe như vậy, được ghi nhớ như vậy. Và sự việc này xảy ra, Thế Tôn có giải thích như sau:
-"Nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng (ayoni so), thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị.
Còn như nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có; ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách chánh đáng, thời đạt được quả vị".
Thưa Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn được nghe như vậy, được ghi nhớ như vậy. Sự việc xảy ra, Thế Tôn có giải thích như vậy.
-Nếu Ðạo sư của Tôn giả Bhumija thuyết lý như vậy, lập luận như vậy, thời tôi nghĩ rằng chắc chắn vị Ðạo sư của Tôn giả Bhumija, đứng cao hơn trên đầu tất cả Sa-môn, Bà-la-môn tầm thường.

Sau đó Tôn giả hỏi đức Phật:
Bạch Thế Tôn, không hiểu hỏi như vậy, trả lời như vậy, con có nói đúng lời Thế Tôn nói, con không xuyên tạc lời Thế Tôn với điều không đúng sự thực, nhưng con đã giải thích đúng pháp, tùy pháp, và một vị đồng Phạm hạnh nói đúng pháp, tùy pháp sẽ không có lý do để chỉ trích?
Đức Phật đáp:
-Thật vậy, này Bhumija, được hỏi vậy, được trả lời vậy, Ông nói đúng lời Thế Tôn nói, Ông không xuyên tạc Thế Tôn với điều không đúng sự thực, Ông đã giải thích đúng pháp, tùy pháp, và một vị đồng Phạm hạnh nói đúng pháp, tùy pháp không có lý do gì để chỉ trích.

Này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định; nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị.
Vì sao vậy?
Vì đây không phải là phương pháp để đạt được quả vị.

109-Phật Độ người Mẹ mất Con.

Kisāgotami có một đứa con duy nhất vừa mới qua đời. Bà khóc lóc, đau khổ đến tuyệt vọng. Ôm xác con trên tay đi khắp nơi nhờ mọi người tìm phương thuốc để cứu sống con mình. Đức Phật thấu rõ tâm trạng của người mẹ mất con nên Ngài bảo với bà rằng đi xin một nắm hạt cây Mù tạt từ những gia đình không có người chết. Kisāgotami đi gõ cửa từng ngôi nhà để xin hạt cây Mù tạt như lời đức Phật dạy.
Sau cuộc tìm kiếm đó, bà đã sớm nhận ra rằng việc sinh tử là chuyện đương nhiên, không phải là chuyện hiếm có. Bà đã thức tỉnh ngay sau đó, thoát khỏi khổ đau.

110-Ngoại đạo Vu khống cho Phật & Tăng đoàn.

Thời đó, những phần tử đối lập của Phật giáo giết chết một phụ nữ trẻ xinh đẹp và giấu xác của cô ta trong tu viện nơi đức Phật cư trú.
Trước khi sự việc xảy ra, bọn chúng để cô gái đó tới tu viện với chiêu bài tham gia vào nghi lễ tôn giáo, đặc biệt buổi tối hôm đó tín đồ tụ tập về tu viện để nghe đức Phật thuyết pháp.
Khi cô gái mất tích, sự việc được báo cáo lên đức vua Pasenadi.
Một cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng đã được tiến hành. Cuối cùng, xác của cô gái được tìm thấy trong khu vườn của tu viện. Họ tìm thấy xác cô gái cùng đứa bé trong bụng, đã kết tội Đức Phật và Tăng chúng đã quan hệ với cô gái này, sau đó biết cô có mang đã giết chết cô gái và giấu xác cô ta trong khu vườn.

Vua Pasenadi rất tin tưởng Phật, không tin lời phao vu của ngoại đạo, liền cho người ngầm đi điều tra. Chỉ vài ngày sau, hai tên du đảng giết cô Sundari đều bị bắt với đầy đủ tang chứng, khi họ đến quán rượu chia nhau tiền thưởng, ăn nhậu say sưa rồi cãi cọ gây gổ với nhau.
Sau khi bị bắt vào đền vua, họ khai tên những người lãnh đạo tôn giáo đã thuê họ làm việc này. Vua Pasenadi bắt phạt những tên ngoại đạo này phải đi khắp thủ đô Sravasti nói lớn:
-Chính chúng tôi đã thuê người giết cô Sundari để vu oan cho sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama và các đệ tử của ông không có lỗi gì cả.

111-Phật săn sóc cho Tỳ khưu Bịnh.

Một vị tỷ kheo bị bệnh tiêu chảy, đức Phật không bảo các vị tỷ kheo khác đến chăm sóc cho người bệnh mà đích thân Ngài tắm rửa, lau thân thể và chăm sóc cho vị tỷ kheo đệ tử ấy.

Một vị tỷ kheo khác tên là Tissa, toàn thân bị ghẻ lác, đầy mủ và máu, bị mọi người xa lánh thậm chí ngay cả vị tỷ kheo bạn thân của mình. Đức Phật đã ân cần lau, rửa và chăm sóc như trường hợp trên. Ngài cũng đã nhiều lần chăm sóc các đệ tử của mình như thế. Sau đó, một bài pháp thích hợp được Ngài thuyết giảng cho vị tỷ kheo có bệnh và cũng như cho toàn thể Tăng chúng.

112-Ni Dhammadinnā-Đệ tử Hiền trí.

Ni sư Dhammadinna là một trong những vị giảng sư nổi tiếng nhất của ni viện. Lúc chưa xuất gia, bà ở Rajagriha. Ông Visakha, chồng bà, là một cư sĩ thuần thành thường đến Venuvana nghe Phật thuyết pháp. Ông ngộ đạo và đắc quả A-na-hàm.

Sau khi tu học theo đức Phật và chứng quả Alahán, trưởng lão ni Dhamma-Dinnā suy nghĩ rằng:
-"Tâm của ta đã chấp dứt mọi phiền não, bây giờ ta phải làm gì, ta sẽ đến Rājagaha đảnh lễ bậc Đạo Sư và tiếp độ các quyến thuộc".
Rồi Ni sư cùng với các tỳ khưu ni trở về thành Rājagaha.

Cận sự nam Visākha là chồng bà, hay tin trưởng lão ni Dhammadinnā trở về. Để thẩm nghiệm sự giác ngộ của trưởng lão ni, chàng đã nêu lên các câu hỏi thâm sâu vi tế, trưởng lão ni Dhammadinnā đã giải đáp rành rẽ, rõ ràng như cắt cành sen bằng con dao bén.

Cận sự nam Visākha đi đến bậc Đạo Sư thuật lại cuộc luận đạo của mình với trưởng lão ni Dhammadinnā, bậc Đạo Sư đã tán thán trưởng lão ni với lời rằng:
-"Nầy Visākha, tỳ khưu ni Dhammadinnā là bậc hiền trí".

Rồi đức Phật nói kệ:
Ba đời đều trong sạch:
Hiện tại, không có gì
Quá khứ, không có gì
Tương lai, không có gì
Không có, cũng không muốn
Chính là A-la-hán.

113-Phật độ Nàng điên loạn Pajācārā.

Trường hợp bà Pajācārā, trở nên điên loạn vì mất đứa con gái thân yêu của mình, bị dân làng xua đuổi, ném đá và gậy gộc. Chồng bà cũng như cha mẹ của bà trở nên điên dại vì cú sốc ấy.
Đức Phật đã giảng cho bà về sự vô ích khi kêu gào, khóc lóc thảm thiết vì người đã chết.
Sau đó, bà đã lấy lại được sự thăng bằng trong cuộc sống và trở thành đệ tử xuất gia của đức Phật, cuối cùng đắc quả A-la-hán.

Tương tự: Cuộc đời đau khổ của ni-sư Patacara.
Patacara là con gái một nhà giàu có ở Sravasti. Cha mẹ cô Patacara giữ con gái kỹ lắm, không bao giờ cho ra khỏi nhà.
Ðến tuổi dậy thì cô đem lòng thương một người con trai giúp việc trong nhà. Cha mẹ cô hoàn toàn không hay biết gì cả. Họ sắp đặt để gả cô cho một chàng trai, con nhà phú hộ khác.
Hoảng hồn, cô bàn tính với người yêu bỏ nhà trốn đi. Gần đến ngày cưới, cô hóa trang làm con ở đi gánh nước và thoát ra khỏi nhà. Cô hẹn với người yêu gặp nhau tại bến đò, rồi hai người trốn đi thật xa. Ăn ở với nhau được ba năm thì cô có thai. Gần đến ngày sanh, cô đòi chồng đưa cô về nhà cha mẹ để sanh, theo phong tục thời bấy giờ. Chồng cô sợ ông bà phú hộ lắm, nhưng vì thương vợ bất đắc dĩ phải chiều ý đưa vợ đi. Nhưng khi đi đến nửa đường thì cô chuyển bụng sinh được một bé trai kháu khỉnh. Việc trở về nhà cha mẹ vì thế không còn cần thiết nữa. Hai vợ chồng liền quay về nơi sinh sống cũ.

Hai năm sau, cô lại có thai và lần này cô lại muốn về quê sinh đẻ. Giữa đường gặp một trận mưa bão lớn, cô lại chuyển bụng. Người chồng bảo vợ tạm ẩn mưa bên đường để anh vào rừng đốn cây bẻ lá che tạm một túp lều. Patacara đợi mãi không thấy chồng trở lại. Nữa đêm cô sinh ra một bé trai trong lúc trời vẫn còn mưa gió. Sáng hôm sau, khi bão tạnh, Patacara tay ôm đứa bé sơ sinh, tay dắt đứa bé chưa đầy ba tuổi, đi vào rừng tìm chồng. Cô thấy chồng cô nằm chết trong rừng, bị rắn độc cắn vào chân bầm tím.
Patacara khóc than thảm thiết. Cô dùng một khúc gỗ đào đất chôn chồng, rồi tay bồng tay dắt con ra đi, tìm về nhà cha mẹ. Cô đi mãi cho đến khi gặp dòng sông Aciravati. Mực nước sông lên cao vì mưa gió đã kéo dài mấy ngày đêm. Không biết làm sao, cô dặn đứa con ba tuổi đứng chờ cô bên này sông để cô ẵm đứa bé mới sanh sang bên kia sông trước. Hai tay cô nâng đứa bé lên khỏi đầu, lội qua sông. Tới giữa dòng, một con chim ưng to lớn sà xuống, cắp đứa bé bay đi. Hoảng hốt, Patacara la lớn cho con chim ưng sợ mà buông đứa bé xuống. Không ngờ đứa bé ba tuổi đang đứng chờ trên bờ, tưởng mẹ gọi mình, liền chạy xuống nước tìm đến mẹ. Khi con chim ưng cắp đứa bé bay xa rồi, Patacara ngoái nhìn lại bờ sông thì thấy đứa con trai ba tuổi của cô đã lội xuống nước. Patacara la lên và cố lội nhanh vào bờ để cứu con. Nhưng chậm mất rồi, đứa bé đã bị dòng nước cuốn đi mất.
Vào đến bờ, Patacara kiệt sức. Cô không còn khóc được nữa. Cô nằm trên bờ sông lâu lắm mới lấy lại được chút sức lực. Rồi cô tìm đường lần hồi về Sravasti. Tới Sravasti, cô được tin ngôi nhà của cha mẹ cô đã bị trận bão vừa qua làm xập nát, cả cha mẹ cô lẫn đứa em trai đều bị sườn nhà đè chết. Cô lật đật chạy đến nơi hỏa thiêu cha mẹ cô thì giàn hỏa cũng vừa tàn.

Patacara ngã quỵ bên lề đường. Cô không còn muốn sống nữa. Chưa bao giờ mà nhiều biến cố đau khổ dồn dập đến một người đàn bà nhanh như thế. Những người qua đường ghé lại thăm hỏi và đưa cô về tịnh xá Jetavana gặp đức Phật. Đức Phật nhờ các vị nữ cư sĩ đưa Patacara đi tắm rửa và thay y phục.
Rồi ngài ngồi chăm chỉ nghe Patacara kể lại chuyện mình. Ðức Phật an ủi:
-Này Patacara, con đã gặp nhiều tai nạn và rủi ro dồn dập đến. Nhưng cuộc đời không phải chỉ có khổ đau và tai nạn. Những việc đã qua con không nên nghĩ tới để sầu khổ nữa. Con nên nghĩ tới hiện tại, hôm nay và vào giờ phút này con nên làm gì để mang lại hạnh phúc cho con, cho cha mẹ và chồng con của con đã qua đời, cho những người xung quanh con. Con hãy học cách sống đời cao thượng để tự lợi lợi tha. Con sẽ thấy cuộc đời còn có nhiều ý nghĩa, con còn nhiều việc phải làm để tạo an lạc cho con, cho mọi người, trong hiện tại và tương lai.

Patacara quỳ lễ Phật xin xuất gia. Đức Phật nói với ni sư Maha Pajapati cho người đưa Patacara về ni viện. Sau một thời gian tập sự, Patacara được thọ giới Tỳ kheo ni. Patacara được ni trưởng và các ni sư thương yêu lắm.
Sau mấy năm tu học, Patacara đã tìm lại được nụ cười.
Một hôm, trong khi múc nước rửa chân, thấy những dòng nước theo hai chân chảy xuống và thấm vào lòng đất, Patacara bỗng phát tâm quán thủy đại, thấy được lý vô thường. Suốt mấy ngày liền, ni sư thực tập thiền quán bằng hình ảnh ấy. Một buổi sáng nọ, Patacara chứng nghiệm được nguyên tắc sinh diệt của vạn vật.

Trong một trường hợp tương tự, đức Phật đã đối xử với bà Vāsedehi, một người bị rối loạn thần kinh, với tất cả tấm lòng và sự cảm thông của Ngài. Sự sợ hãi, nỗi đau buồn và trạng thái rối loạn trong tâm trí bà đã được xua tan bởi lòng từ bi của đức Phật. Sau đó, bà đã có thể lắng nghe và thâm nhập giáo pháp.

114-Nữ đệ tử Thánh thiện Subha.

Ni sư Subha gặp tên du-đãng.
Subha sanh vào gia đình của một vị Bà-la-môn khả kính tại Rajagriha (Vương Xá). Nàng có sắc đẹp tuyệt trần, vì lẽ ấy nên có tên là Subha.
Vào mùa an cư thứ hai của Phật, cô đã nghe Phật thuyết pháp nhiều lần và đã trở thành một tín nữ trung kiên.
Ðến khi ni sư Pajapati Gotami được Phật cho phép thành lập Ni Giáo Ðoàn, cô xin xuất gia để gia nhập vào giáo đoàn. Subha tinh tấn chuyên cần thực hành Thiền Vắng Lặng (Samatha) và Thiền Minh Sát (Vipassana) và đã đạt được từng thánh thứ ba (Anagami).

Ngày kia, Tỳ Khưu Ni Subha vào vườn xoài của Jivaka để nghỉ ngơi vào buổi trưa. Cùng lúc ấy có tên du đãng nọ ở thành Rajagaha, trong lứa tuổi thanh xuân đầy tham dục, thấy ni cô vào rừng thì đâm ra say đắm sắc đẹp diễm kiều của cô.

Khi nghe chàng ta nói mê đôi mắt của cô, Subha liền đưa tay lên móc hai con mắt ra đưa cho tên du đãng và nói:
-Ðây, hai con mắt của tôi đây. Ông hãy lấy đi, rồi tránh đường cho tôi đi.
Tên du đãng hối hận, sợ hãi bỏ chạy mất.
Subha lần mò tìm đến am Phật trong vườn xoài của y sĩ Jivaka.
Ðứng trước đức Đạo sư, cô ngước mặt nhìn lên, bỗng nhiên nhãn quan của cô được phục hồi như xưa và cô chứng được quả vị A-la-hán.

115-Những lời Khen-Chê của Phàm nhân.

Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ràjagaha (Vương Xá) và Nalandà, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị. Lúc bấy giờ có Suppiya du sĩ ngoại đạo cũng đi trên con đường giữa Ràjagaha và Nalandà cùng với đệ tử, thanh niên Brahmadatta. Suppiya, du sĩ ngoại đạo dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, còn đệ tử của du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng.
Như vậy cả hai thầy trò nói những lời hoàn toàn tương phản nhau trong khi đi sau lưng đức Phật và chúng Tỷ-kheo.

Sau đó, đức Phật nói với các Tỳ kheo:
Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn.
Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng?
-Bạch Thế Tôn, không thể được!
-Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật:
-"Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi".

Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các ngươi hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các ngươi. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật:
-"Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi".

Này các Tỷ-kheo, thật chỉ thuộc các vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu tán thán Như Lai.
Này các Tỷ-kheo, lại có những pháp khác, sâu kín, khó thấu, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị chỉ những người trí mới nhận hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

116-Thâu phục giới Trí thức Upali.

Balaka Upali thuộc ngoại đạo Nigantha đã xin xuất gia theo đức Phật.
Upali là một cư sĩ thông minh và giàu có vào bậc nhất ở thành phố Balaka, thuộc miền bắc nước Magadha. Do đó người ta gọi ông là Balaka Upali để khỏi lẫn lộn với những người tên Upali khác. Ông là thí chủ lớn nhất của giáo phái Nigantha Nataputta.
Giáo phái này lúc bấy giờ được rất đông dân chúng tín mộ.

Lúc ấy vào giữa mùa xuân, Phật đang cư trú trong vườn xoài của ông Pavarika ở Nalanda. Một hôm, đạo sĩ Digha Tapassi, một đệ tử hàng đầu của giáo chủ Nigantha Nataputta, nhân đi khất thực ở Nalanda, đã ghé vào thăm Phật để đàm luận về đạo lý. Qua câu chuyện, đạo sĩ Tapassi nói:
-Này sa-môn Gotama, trong giáo pháp của chúng tôi không dùng danh từ hành nghiệp (karmani) mà chỉ dùng danh từ tội báo (dandani). Tội báo có nặng, có nhẹ. Nặng nhất là các tội do thân tạo.
-Này Tapassi, theo giáo pháp của chúng tôi thì ý nghiệp mới là quan trọng nhất, vì ý là gốc, là chủ của hành động.
Tapassi buộc đức Phật phải lập lại điều này ba lần để sau này không thể chối cãi. Sau đó ông kiếu từ ra về.
Ông tìm đến giáo chủ Nataputta, kể lại chi tiết của cuộc đàm thoại. Nataputta cười lớn, nói:
-Sa-môn Gotama đã lầm lẫn nghiêm trọng. Tội trong tâm ý và nơi lời nói chưa hẳn là tội. Chỉ những tội do thân thể gây nên một cách cụ thể mới là quan trọng.
Ví như khi người ta đang nghĩ hoặc nói đến giết người mà chưa thực hành thì đâu có tội. Chỉ khi nào đã thật sự giết người thì tội trạng mới rõ ràng, không chối cãi được. Này Tapassi, thầy đã nắm được yếu chỉ giáo pháp của ta.

Trong lúc Nataputta và Tapassi nói chuyện, có nhiều cư sĩ có mặt, trong đó có Balaka Upali. Nghe tới đây, Balaka Upali xin tình nguyện đến gặp Sa môn Cồ Đàm để đối chất và chỉ rõ chỗ sai của đức Phật.
Giáo chủ Nataputta đồng ý, nhưng Tapassi e ngại Upali sẽ bị đức Phật chinh phục. Nataputta cười nói:
-Này Tapassi, thầy đừng ngại cư sĩ Upali sẽ trở thành đệ tử của Gotama. Trái lại, có thể Gotama sẽ trở thành đệ tử của Upali, không biết chừng.
Tapassi cố ngăn nhưng không được. Balaka Upali đến gặp Phật và cuộc đàm đạo giữa hai người rất là hào hứng. Ðây là lần đầu tiên nhà trí thức này gặp Ngài.

Qua bảy thí dụ liên tiếp, Phật chỉ cho Upali thấy ý là căn bản của tội.
Ðến đây, Upali không còn tìm cách ngụy biện được nữa. Ông nhìn nhận là qua những thí dụ đầu tiên ông đã thấy là Phật có lý rồi. Ông rất khâm phục đức độ và tuệ giác của đức Phật. Ông liền đảnh lễ Phật, xin làm đệ tử từ đó.

Và cũng từ đó, nhà ông không còn mở cửa cho người của giáo phái Nigantha Nataputta cũng như các phái khác nữa, mà chỉ mở rộng cửa cho các Tỳ kheo.

117-Cây Bồ-đề Ananda ở Tịnh xá Jetavana.

Ðức Phật rời thủ đô Campa của xứ Anga, đi lần về hướng tây bắc, đến làng Lechanankala thuộc xứ Kosala. Rồi từ Lechanankala đến Sravasti vào đầu tháng sáu. Phật cư trú tại tịnh xá Pubbarama (Ðông Viên), nơi có giảng đường Lộc-Mẫu.
Bà Visakha đến viếng Phật và nói:
-Bạch Thế Tôn, ngài thường du hành hóa độ khắp nơi, chỉ về Sravasti vào trước mùa mưa. Ðệ tử chúng con nhiều khi nhớ Phật, đến tịnh xá cũng không được gặp. Buồn quá, chúng con chỉ còn biết đi ba vòng xung quanh tịnh thất của Thế Tôn rồi ra về.
Ngài A nan cũng nói:
-Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đi thuyết pháp phương xa, tịnh xá Jetavana rộng lớn không còn nơi nương tựa. Thiện tín từ xa đến Jetavana không biết hướng vào đâu để lễ bái, cúng dường. Xin Thế Tôn hoan hỷ cho phép con lấy hột của cây Bồ-Ðề mẹ tại Uruvela để gieo trồng gần cổng tịnh xá Jetavana.
-Lành thay, Ananda, thầy hãy trồng đi. Làm thế ấy cũng như luôn luôn có mặt Như Lai ở tại đây.

Ðại đức Ananda và bà Visakha vô cùng mừng rỡ. Ðại đức Ananda nhờ Thượng tọa Moggallana mang về Sravasti một trái chín muồi từ cây Bồ-Ðề ở Uruvela. Ðại đức Ananda dâng trái chín này cho vua Pasenadi. Vua trao lại cho cư sĩ Sudatta Anathapindika trồng. Cư sĩ Sudatta trồng một cây gần cổng tịnh xá Jetavana. Cây Bồ-Ðề này mang tên là cây Bồ-Ðề Ananda.

Cây Bồ Đề được trồng tại cổng chính của Kỳ Viên Tịnh Xá. Lạ thay khi trồng cây Bồ Đề xuống, được tưới bằng sữa thơm, được che mát, cây Bồ Đề liền vụt lớn nhanh, chẳng bao lâu sau đã cao hơn ba thước với những nhánh mới thành bóng mát. Ngay sau đó, đức Phật đã ngồi Thiền suốt nhiều đêm tại cây Bồ Đề này, khiến cây Bồ Đề mau tăng trưởng và trở thành linh thiêng. Cây Bồ Đề này cũng gọi là cây Bồ Đề A Nan, vì Ngài A Nan đứng ra tổ chức, giúp cho các Phật tử khi vắng Phật ở đây có nơi để tưởng nhớ chiêm bái.

Bà Visakha sau đó cũng trồng một cây gần cổng tịnh xá Pubbarama (Ðông Viên).

118-Hiện thân Biên cương ngăn Chiến sự.

Sau khi được tướng Digha-Karayana đưa từ làng Ulumpa về Sravasti giết thái tử Jeta rồi lên ngôi vua xứ Kosala, Vidudabha (Tỳ-Lưu-Ly) nhớ lại mối thù thuở nhỏ bị hoàng tộc Sakya khinh khi và nhục mạ, liền thống lãnh đại binh đi rửa hận.

Ðức Phật biết được liền hiện thân đến ngồi dưới một cội cây vùng ranh giới gần thành Kapilavastu để đón đường đạo binh của Vidudabha. Gần đó, bên ranh giới xứ Kosala, có một cây cổ thụ to lớn, bóng cây rất mát mẻ.

Vidudabha thầm nghĩ chắc Phật cố ý đến đây để bảo vệ dòng họ Sakya. Do đó ông đến đảnh lễ Phật rồi trở về Sravasti. Ðức Phật trở về Jetavana. Ðược vài hôm, vua Vidudabha lại nhớ đến mối thù xưa liền cử binh đi lần thứ hai; nhưng lại gặp Phật ngồi ngay chỗ cũ, vua lại quay trở về. Lần thứ ba cũng thế.
Ðến lần thứ tư, đức Phật quán chiếu nghiệp trước của những người dòng Sakya, nhận thấy rằng họ không thể tránh khỏi quả báo ác nghiệp trước kia của họ đã bỏ thuốc độc xuống dòng sông để hại người dưới nguồn, nên đức Phật không đến can thiệp nữa.

119-Đức Hạnh bậc đại Thánh Nhân.

Vào cuối một mùa mưa, Trưởng lão Xá-lợi-phất lên đường khất thực với các đệ tử sau khi đảnh lễ Thế Tôn; nhiều Tỳ-kheo khác cũng chào từ giã Trưởng lão. Ngài gọi và họ các Tỳ-kheo quen biết, một vị Tỳ-kheo cũng mong được Trưởng lão gọi tên, nhưng tiếc thay Ngài không chú ý tới ông giữa số Tỳ-kheo đông đảo, ông sanh lòng căm ghét Trưởng lão. Thêm vào đó viền y của Trưởng lão chạm phải ông làm tăng thêm niềm căm hận.
Trưởng lão vừa ra khỏi cổng tịnh xá, ông đến chỗ Thế Tôn bạch:
-Bạch Thế Tôn! Tôn giả Xá-lợi-phất vì nghĩ mình là Ðại đệ tử của Phật đã đánh con một cú muốn sút lỗ tai, rồi chả thèm xin lỗi, lên đường khất thực.
Thế Tôn gọi Trưởng lão đến. Hai vị Mục-kiền-liên và A-nan nghĩ rằng Thế Tôn chưa hiểu sự tình và dĩ nhiên Xá-lợi-phất sẽ rống tiếng rống của sư tử.
Cả hai quyết định nhóm chúng. Sẵn chìa khóa, họ mở cửa liêu kêu gọi một số đông các Tỳ-kheo. Trưởng lão Xá-lợi-phất đến, cùng với các Tỳ-kheo còn lại đảnh lễ Thế Tôn và cung kính ngồi một bên. Khi Thế Tôn hỏi, thay vì xác nhận tôi không đánh, Trưởng lão kể lại công hạnh của mình:
-Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo nào không quán thân, xin nghe những điều con nói và lấy đó làm bạn đồng hành, mang theo trên đường đi khất thực.
Rồi Ngài tiếp:
-Bạch Thế Tôn! Con đã xem mình như Đất, ai vất dơ sạch chi cũng cam, ai dẫm đạp lên cũng chịu, chấp nhận bị cày xới để hạt nẩy mầm, cho đời hoa thơm trái ngọt, ruộng đồng bát ngát trĩu hạt. Con chấp nhận mọi lời phỉ báng, chấp nhận bị tổn thương để mọi người hạnh phúc, nâng niu bước chân mọi người, sẵn lòng khi mọi người cần đến.
Con đã xem mình như giai cấp Chiên đà la, vui vẻ để mọi người sai bảo, gánh lấy tất cả việc hèn mọn trong đời, dù là đổ rác, gánh phân.
Con đã xem mình như giẻ lau, nhận chịu mọi xấu xa, dơ bẩn ở đời cho người được thơm sạch, tươi tắn.
Con đã xem mình như nước cho người được mát sạch và chấp nhận chảy vào cống rãnh tối tăm, trôi vào quên lãng mà thôi.
Con đã xem mình như lửa, đem lại bữa cơm no dạ cho người, sưởi ấm cho người đêm đông giá lạnh, dẫu cuối cùng chỉ còn là tro bụi bay xa.
Con đã xem mình như cơn gió đem lại sự mát mẻ, dễ chịu cho người những buổi trưa hè dẫu cuối cùng rồi tan vào hư vô, không lưu lại bóng hình..
Con đã xem thân mình vô thường, còn sống chỉ cung cấp nhu cầu ăn, mặc, ở...giữ thân này tu tập dẫu lúc nhắm mắt xuôi tay chỉ là bụi cát bên đường.
Rồi Ngài so sánh tâm định tĩnh của Ngài như đất, như bò bị cưa sừng, như thanh niên Chiên-đà-la, như nước, lửa, gió, giẻ lau; thân chịu áp bức như bị rắn và chịu áp bức, xem thân như cục thịt mỡ.

Khi Trưởng lão mô tả công hạnh của Ngài qua chín lối so sánh, đại địa rúng động chín lần liên tiếp đến tận mé biển. Khi Ngài so mình với giẻ lau, hạng Chiên-đà-la, cục thịt mỡ, những Tỳ-kheo chưa chứng Sơ quả không cầm được nước mắt, những vị chứng A-la-hán thì tràn trề pháp vị.

Vị Tỳ-kheo vu cáo sai trái nghe kể công hạnh của Trưởng lão, ăn năn vô cùng. Ông ta phục xuống chân Phật thú tội, nhận rằng mình đã cáo gian. Phật liền khuyên Trưởng lão Xá Lợi Phất hãy tha thứ cho kẻ gian dối này để đầu ông ta khỏi bể làm bảy mảnh.
Trưởng lão cúi mình trước ông ta rồi chấp tay cung kính bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, con sẵn lòng tha lỗi cho Tôn giả Tỳ-kheo này. Và xin Tôn giả cũng tha thứ cho con, nếu con có làm ông phiền lòng.
Các Tỳ-kheo tán thán lòng độ lượng tuyệt vời của ngài Xá-lợi-phất. Thế Tôn nghe được liền bảo:
-Thật vậy. Không thể có chuyện sân hận và thù ghét đối với Xá-lợi-phất và những người như ông ấy. Tâm của Xá-lợi-phất giống như đại địa, giống như ngưỡng cửa, như hồ nước lặng.

Nói xong Phật đọc Pháp Cú:
Như đất, không hiềm hận,
Như cột trụ, kiên trì,
Như hồ, không bùn nhơ,
Không luân hồi, vị ấy.

120-Phật thăm Tỳ khưu Vakkali đang Hấp hối.

Sau khi đức Phật và Thượng tọa Ananda bước ra khỏi cửa, Thượng tọa Vakkali bảo thị giả nhờ người khiêng thầy luôn cả cái giường ra sườn núi Isigili, đặt dưới bóng mát của một tàng cây cổ thụ. Thầy nằm nhiếp tâm an tịnh đến xế chiều thì nhập diệt.

Có lần, Đức Phật chăm sóc vị Tỳ khưu Tissa. Vị Tỳ khưu này bị bệnh nhưng không được các Tỳ khưu khác ngó ngàng tới.
Bằng cách làm như vậy, Đức Phật muốn khuyến khích các Tỳ kheo chăm nom và có trách nhiệm lẫn nhau.

121-Muôn loài đều Bình đẳng.

Một lần nọ, Tôn giả Ānanda, thị giả của đức Phật vào thành để khất thực. Trên đường đi, Tôn giả đến lấy nước từ cái giếng ven đường để uống. Đúng lúc đó, có một cô gái thuộc tầng lớp thấp tên là Prakrti cũng lấy nước từ cái giếng đó. Khi Tôn giả Ānanda nhờ cô ta múc cho ít nước để uống thì cô gái ấy thưa rằng:
-“Thưa Tôn giả, con thuộc tầng lớp Mātanga” (Chăn Đà La).
Tôn giả đáp rằng:
-“Ta không hỏi thí chủ thuộc tầng lớp nào trong xã hội, ta chỉ xin nước để uống”.
Và cô gái đã dâng nước lên cho Tôn giả.

122-Cô gái Prakrti-A Nan lâm Tình nạn.

Đem lòng yêu đại đức A nan, cô gái Prakrti sửa soạn, ăn mặc tươm tất với những đồ trang sức lộng lẫy nhất của mình và chờ sẵn trên con đường mà thường ngày Trưởng Lão Ananda phải trải qua để vào thành Savatthi trì bình. Và trong khi Ngài lặng lẽ tiến hành buổi đi bát thì Prakrti bước liền theo chân, từ nhà này đến nhà kia, dân chúng lấy làm ngạc nhiên nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ này.

Sau nầy Prakrti trở thành hội viên của Giáo Hội Tỳ Khưu Ni.

123-Nước sông Không làm Thanh tịnh.

Thời đức Phật, có một đạo sĩ Bà La Môn tên Sundarika Bharadvaja thường ra tắm ở sông Sundarika, một con sông thiêng liêng chảy ngang qua vương quốc Kiều Tát La (Kosala), vì ông tin rằng nước sông ấy có thể rửa sạch hết mọi tội lỗi của con người.

Tín đồ Ấn giáo luôn tin rằng những ai được tắm, hoặc thậm chí thấy tận mắt con sông này sẽ tiêu trừ được tội lỗi và tiến gần đến bờ giải thoát. Những ai không đến được dòng sông này thường hành lễ với nước sông được những người hành hương mang về.

Có hôm, trên đường du hóa đức Phật ghé lại ở trênbờ sông này, gặp lúc đạo sĩ Sundarika Bharadvaja đang làm lễ cúng thần lửa. Khi buổi lễ kết thúc, vị Bà La Môn nhìn xung quanh mong tìm xem thử có ai ở gần đó xứng đáng được thừa hưởng các lễ vật còn lại sau khi cúng xong hay không.
Bấy giờ ông ta thấy đức Phật, trên đầu Ngài được phủ khăn che kín, đang ngồi dưới một gốc cây. Khi nghe bước chân của vị Bà La Môn đến gần đức Phật liền tháo lấy khăn trên đầu xuống.
Thấy đức Phật, Sundaraka Bharadvaja hỏi Ngài là ai, thuộc giai cấp nào? Đức Thế Tôn liền giảng cho ông ta nghe. Đức Phật nhằm chỉ dạy cho vị Bà La Môn trên thấy rằng không phải giai cấp mà đạo đức tu hành, sự nghiêm trì giới luật và biết kiềm chế ái dục của con người mới thực quan trọng. Nghe xong, Sundarika Bharadvaja liền xin đức Phật xuất gia làm Tỳ Kheo và sau một thời gian tinh tấn tu hành, ông ta đã giác ngộ, chứng đắc Niết Bàn.

124-Biểu tượng Phật (và Hoa Sen) Thịnh hành.

125-Chuyện con Cừu lạc vào Cung.

Có chuyện kể rằng, hôm nọ có con Cừu hoảng sợ bị giết làm lễ tế đã chạy lạc vào vương cung khi nhà vua đang muốn làm đại lễ tế Thần linh. Nhân đó đức Phật đã thuyết dạy cho nhà vua ấy về lễ tế đơn giản, ít tốn kém mà đạt được nhiều lợi ích nhất.
Trong đó, có pháp hộ trì cho các Tỳ kheo khất thực đạt lợi ích lớn.

126-Đề bà Đạt đa sai người đón Giết Phật.

Câu kết với vua A xà thế, Đề bà Đạt đa sai người đón Giết Phật. Đức Phật thâu phục những người nầy, và biểu họ trở về bằng lối khác. Nhờ vậy họ đã thoát chết, do Đề bà còn sai người giết họ để bịt đầu mối.

127-Giáo đoàn bị Phân đôi-Chia cắt.

Vài hôm sau, y sĩ Jivaka đã lên núi Griddhakuta thăm Đức Phật. Ông trình với Phật rằng, theo tin ông được biết, hình như Devadatta đang chuẩn bị kế hoạch tách rời khỏi giáo đoàn với sự yểm trợ của thái tử Ajatasattu. Devadatta lập giáo đoàn riêng tại Gayasisa.

Sau mấy ngày, sự việc xẩy ra, hai Thượng tọa Sariputta và Moggallana đến bạch Phật :
-Bạch Thế Tôn, chúng con nghĩ là đã đến lúc chúng con phải đến Gayasisa để dìu dắt các sư huynh bên ấy khỏi lầm đường lạc lối. Chúng con xin phép Thế Tôn cho chúng con vắng mặt một thời gian và sẽ gắng đưa các Tỳ kheo trở về hòa hợp.

128-Đề bà Đạt đa lăn Đá giết Đức Phật.

Ông Devadatta đã từng tìm cách xúi giục Thái tử Ajàtasattu (A xà thế) giết vua cha là Bimbisàra để nắm toàn quyền bính và cùng âm mưu hãm hại Đức Phật. Sau đó, các xạ thủ được thuê để giết Đức Phật đều được cảm hóa thành đệ tử. Devadatta tự thân ra tay, bằng cách đẩy một tảng đá lớn từ trên sườn núi Gijihakuta (Linh Thứu) xuống ngay Đức Phật khi Ngài đi ngang qua. May thay, tảng đá ấy va vào một tảng đá khác, vỡ ra nhiều mảnh và chỉ một mảnh vụn làm chân Ngài rỉ máu.

129-Hoàng tử Abhaya Chất vấn Như Lai.

Một hôm hoàng tử Abhaya nghe theo lời ngoại đạo sư Nigantha Nataputta, thỉnh Phật đến tư gia cúng dường, rồi nhân đó nêu một câu hỏi khó trả lời như sau:
-Sa môn Gotama có bao giờ nói lời khó chịu làm buồn khổ người khác không?
Nếu đức Phật trả lời Có thì đức Phật chẳng khác gì người thường; còn nếu đức Phật trả lời Không thì là nói dối vì đức Phật đã nói Devadatta sẽ bị trừng phạt tại địa ngục A-tỳ trong một kiếp, không thể nào tránh khỏi?

Ngày hôm sau, đức Phật đến thọ trai xong, hoàng tử Abhaya hỏi :
-Thưa Sa-môn Gotama, có bao giờ ngài thốt ra lời nói khó chịu làm cho người khác buồn khổ không?
-Tùy trường hợp. Nhưng sao hoàng tử hỏi Như Lai câu đó?
-Thưa Sa-môn Gotama, thật ra đó là câu hỏi của đạo sư Nataputta. Nếu ngài đáp có thì ngài chẳng khác gì người thường; nếu ngài đáp không thì ngài nói dối vì ngài đã bảo Devadatta sẽ bị đọa địa ngục A-tỳ.
-Này Abhaya, nếu đứa bé đang ngồi trong lòng hoàng tử hiện giờ nuốt phải một miếng gỗ hay một hòn sỏi mắc cổ, thì hoàng tử sẽ làm gì?
-Tôi sẽ lấy vật đó ra. Nếu gặp khó khăn thì tay trái tôi sẽ đè ngửa đầu nó ra, rồi dùng ngón tay mặt móc vật đó ra dù có thể làm cho nó đau và chảy máu. Vì sao? Chính vì tôi thương nó, muốn cứu nó.
-Cũng thế, này Abhaya, Như Lai không bao giờ nói sai sự thật, nói lời vô ích, nói lời khó chịu làm thương tổn người khác; cũng không bao giờ nói đúng sự thật một cách vô ích, gây khó chịu, thương tổn người khác; cũng không bao giờ nói sai sự thật, nói lời vô ích để làm vui lòng người khác; cũng không bao giờ nói đúng sự thật một cách vô ích để làm vui lòng người khác.
Như Lai chỉ nói những lời đúng sự thật và có ích lợi cho người nghe, dù có làm vui lòng người khác hay không.

130-Dùng Từ tâm Nhiếp phục Voi Nalagiri.

Mưu đồ giết Phật trước đó đã bất thành, Devadatta lại chuốc rượu mạnh cho voi dữ Nàlàgin và xua nó chạy thẳng đến ngay Đức Phật, nhưng voi cũng bị đức từ bi của Thế Tôn cảm hóa.

Khi Đức Phật trên đường đi đến thành phố Rajagaha, Devadatta ra lệnh thả voi hung dữ Nalagiri để tấn công Đức Phật. Khi con voi xông về phía Đức Phật, mọi người bỏ chạy bỏ lại một bà mẹ. Bà này do quá hoảng sợ nên đã làm rơi con mình trên mặt đất. Đức Phật rải tâm từ đến voi Nalagiri để làm dịu và khuất phục nó trước khi con voi kịp chà nát đứa trẻ vô tội.

Devadatta thả voi dữ để quật nát đức Phật. Ông ta lệnh cho người quản tượng cho voi dữ uống rượu rồi thả chúng chạy trên con đường mà đức Phật đang khất thực.

131-Tân vương Nghịch tử giam đói Phụ hoàng.

Thượng hoàng Bimbisara bị bỏ đói trong nhà giam.
Nhưng vua Bình Sa là vị đã hướng về Đạo lộ. Vua không mang lòng oán hận đứa con vô đạo. Ở trong ngục tối, ông ta thực hành và an trú vào thiền định và rồi đã chứng Dự Lưu quả. Vua cha không đau khổ, trái lại, vẫn thường an lạc và trên nét mặt hiện lên niềm hoan hỷ.

132-Bình Sa vương chết vì Hành hạ.

A Xà Thế điên tiết, phẫn nộ. Hắn sai người thợ cạo mang dao bén vào gọt gót chân cha, xát dầu và muối vào rồi đốt trên lửa nóng, để vua cha mau chết cho xong.
Bình Sa Vương chết sau khi phải trải qua những cơn đau đớn tột cùng.

A Xà Thế đã tống vua cha là Bình Sa Vương vào ngục.
Devadatta đã chi phối vị tân vương để thực thi nhiều hình thức tra tấn tàn nhẫn đối với vua cha trong ngục tù. Những hình thức tra tấn này bao gồm không cung cấp thức ăn và nước uống, bắt vua cha đi trên than hồng, lột da bàn chân rồi sát muối vào vết thương.

133-Vua Ajàtasattu diện kiến Như Lai.

Ðức vua Ajàtasattu thân cận với Tỳ khưu Devadatta phạm phải trọng tội giết cha, vì vậy mà phát ra một căn bịnh nan y, nên phát sanh tâm sợ hãi; bèn nhờ ngự y Jìvaka dẫn đến hầu Ðức Phật xin sám hối tội lỗi của mình đã tạo.
Ðức Phật thuyết pháp tế độ Ðức vua; nếu Ðức vua không phạm trọng tội giết cha, thì khi nghe Ðức Phật thuyết pháp xong, có thể chứng bậc Thánh Nhập Lưu; nhưng vì đã phạm vô gián nghiệp chắc chắn phải sa vào địa ngục; nên Ajàtasattu chỉ phát sanh đức tin trong sạch, xin quy nơi Tam bảo, trở thành người cận sự nam tận tâm lo hộ trì Tam bảo.

Phật nói kinh Sa-Môn Quả (Samanna-phala-sutta)
Y sĩ Jivaka Komarabhacca sắp đặt cuộc gặp gỡ giữa vua Ajatasattu và Phật tại vườn xoài của ông ở chân núi Griddhakuta (Linh Thứu).
Lần đầu vua Ajatasattu tìm đến gặp Phật vào một đêm trăng sáng giữa mùa sen nở, khoảng tháng 10 tháng 11 dương lịch, có quân lính đi hộ tống, và y sĩ Jivaka dẫn đường. Khi gần đến vườn xoài bỗng nhiên vua phát sợ vì thấy cảnh vật yên tĩnh quá. Jivaka có cho vua biết hiện Phật đang cư trú tại vườn xoài của ông với gần một ngàn vị Tỳ kheo, vậy mà đến đây vua vẫn nghe im lìm không một tiếng động, cũng không thấy bóng dáng ai cả.
...
Sau lần gặp gỡ đó, vua Ajatasattu thường đến thăm đức Phật mà không cần qua sự sắp đặt của y sĩ Jivaka nữa, cũng không cần đem theo voi ngựa và binh sĩ hộ tống.
Kể từ đó, vua Ajatasattu cũng trở thành người hộ pháp rất đắc lực của Phật như vua Bimbisara trước kia.

134-Quân vương Đảnh lễ-Pháp Trang nghiêm.

Vua Pasenadi nước Kosala bước vào căn nhà, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, miệng hôn xung quanh chân Thế Tôn, tay xoa rờ xung quanh chân và tự xưng tên:
-Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala. Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala.
-Thưa Ðại vương, do thấy nguyên nhân gì, Ðại vương lại hạ mình tột bực như vậy đối với thân này và biểu lộ tình thân ái như vậy?
Bạch Thế Tôn, con có pháp truyền thống (Dhammanvaya) này đối với Thế Tôn:
-"Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, chư Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo tu tập hành trì".
Ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy nhiều vị Sa-môn, Bà-la-môn hành trì Phạm hạnh có giới hạn trong mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm. Những vị này, sau một thời gian, khéo tắm, khéo phấn sáp, với râu tóc khéo chải chuốt, sống thụ hưởng một cách sung mãn, đầy đủ năm dục trưởng dưỡng. Ở đây, Bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ-kheo sống hành trì Phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh cho đến trọn đời, cho đến hơi thở cuối cùng. Bạch Thế Tôn, con không thấy ngoài đây ra có một Phạm hạnh nào khác viên mãn, thanh tịnh như vậy.
Bạch Thế Tôn, đây là pháp truyền thống của con đối với Thế Tôn:
-"Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác. Pháp được Thế Tôn khéo giảng, chư Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo tu tập, hành trì".

Lại nữa bạch Thế Tôn, vua chúa cãi lộn với vua chúa, Sát-đế-lị cãi lộn với Sát-đế-lị, Bà-la-môn cãi lộn với Bà-la-môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, mẹ cãi lộn với con, con cãi lộn với mẹ, cha cãi lộn với con, con cãi lộn với cha, anh em cãi lộn với anh em, anh em cãi lộn với chị em, chị em cãi lộn với anh em, bạn bè cãi lộn với bạn bè. Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ-kheo sống với nhau thuận hòa, thân hữu, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính.
Bạch Thế Tôn, con không thấy ngoài đây ra, có một Phạm hạnh nào khác viên mãn, thanh tịnh như vậy.
Bạch Thế Tôn, đây là pháp truyền thống của con đối với Thế Tôn:
-"Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, đệ tử chúng Tăng của Thế Tôn khéo tu tập, hành trì".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con đi du hành tản bộ từ công viên này đến công viên khác, từ cung uyển này đến cung uyển khác. Ở đấy, con thấy một số Sa-môn, Bà-la-môn gầy mòn, khốn khổ, da xấu, bạc nhợt, tay chân gân nổi, hình như không có gì đẹp mắt để người ta nhìn. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:
-"Thật sự các bậc Tôn giả này sống Phạm hạnh không được hoan hỷ hay có những ác nghiệp được giấu kín. Do vậy, các vị Tôn giả này mới gầy mòn, khốn khổ, da xấu, bạc nhợt, tay chân gân nổi, hình như không có gì đẹp mắt để người ta nhìn. Con đi đến các vị ấy và nói:
-"Vì sao chư Tôn giả lại gầy mòn, khốn khổ, da xấu, bạc nhợt, tay chân gân nổi, hình như không có gì đẹp mắt để người ta nhìn?".
Các vị ấy trả lời như sau:
-"Tâu Ðại vương, chúng tôi bị bệnh gia truyền".
Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ-kheo hân hoan, phấn khởi, hỷ lạc, các căn thoải mái, không dao động, bình tĩnh, sống dựa vào sự hỷ cúng của người khác, với tâm tư như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:
-"Thật sự các bậc Tôn giả này ý thức được một sự tối thắng thù diệu nào trong giáo lý Thế Tôn, một sự thành đạt tuần tự nên các bậc Tôn giả này hân hoan, phấn khởi, hỷ lạc, các căn thoải mái, không dao động, bình tĩnh, sống dựa vào sự hỷ cúng của người khác, với tâm tư như con thú rừng.
Bạch Thế Tôn, đây là pháp truyền thống của con đối với Thế Tôn:
-"Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, đệ tử chúng Tăng của Thế Tôn khéo tu tập hành trì".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con là một vị vua Sát-đế-lị, đã làm lễ quán đảnh, có thể hành quyết những ai đáng bị hành quyết, gia phạt những ai đáng bị gia phạt, trục xuất những ai đáng bị trục xuất. Nhưng bạch Thế Tôn, khi con ngồi xử kiện, có người đôi khi nói ngắt lời của con. Và con không có dịp để nói:
-"Này Quý vị, chớ có ngắt lời nói của ta, khi ta đang ngồi xử kiện. Quý vị hãy chờ cho đến khi ta nói xong".
Bạch Thế Tôn, thế mà có người vẫn ngắt lời nói của con.
Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ-kheo, trong khi Thế Tôn thuyết pháp cho đồ chúng hàng trăm người, trong khi ấy không có một tiếng nhảy mũi hay tiếng ho khởi lên.
Bạch Thế Tôn, thuở xưa, trong khi Thế Tôn thuyết pháp cho đồ chúng hàng trăm người, có người đệ tử Thế Tôn ho lên. Một đồng Phạm hạnh khẽ đập vào đầu gối và nói:
-"Tôn giả hãy im lặng, Tôn giả chớ có làm ồn. Thế Tôn, bậc Ðạo Sư của chúng ta đang thuyết pháp".
Bạch Thế Tôn, con khởi lên ý nghĩ như sau:
-"Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Thính chúng này thật khéo được huấn luyện, không gậy, không kiếm. Bạch Thế Tôn, con không thấy ngoài đồ chúng này có một đồ chúng nào khác được khéo huấn luyện như đồ chúng này.
-Bạch Thế Tôn, đây là pháp truyền thống của con đối với Thế Tôn:
-"Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, đệ tử chúng Tăng của Thế Tôn khéo tu tập hành trì".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy ở đây một số Sát-đế-lị bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc.
Những vị này đi chỗ này, chỗ kia, như muốn đả phá các tà kiến với trí tuệ của họ. Những vị này nghe:
-"Sa-môn Gotama sẽ đến thăm ngôi làng này hay thị trấn này". Họ sắp đặt câu hỏi:
-"Chúng ta sau khi đến sẽ hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi này. Khi bị chúng ta hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời như thế này, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế này. Khi bị ta hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời như thế kia, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế kia". Những vị này nghe:
-"Sa-môn Gotama đã đến thăm ngôi làng hay thị trấn này".
Những vị này đến chỗ Sa-môn Gotama ở. Sa-môn Gotama với pháp thoại khai thị cho các vị này, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Ðược Sa-môn Gotama, với pháp thoại khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, họ không hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi (đã định trước), huống nữa là chất vấn! Trái lại, họ trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama.
Bạch Thế Tôn, như vậy là pháp truyền thống của con đối với Thế Tôn:
-"Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, đệ tử chúng Tăng của Thế Tôn khéo tu tập hành trì".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy ở đây một số Bà-la-môn bác học... Gia chủ bác học, Sa-môn bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc, những vị này đi chỗ này chỗ kia như muốn đả phá các tà kiến...
Họ không hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi (đã định trước), huống nữa là chất vấn. Trái lại, họ xin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế Tôn cho họ được xuất gia. Ðược xuất gia như vậy, một số các vị ấy sống một mình, không phóng dật, nỗ lực, tinh cần và không bao lâu sau, tự chứng với thắng trí, chứng ngộ chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại mục đích tối thượng của Phạm hạnh mà những Thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Họ nói như sau:
-"Thật sự chúng ta gần hoại vong! Thật sự chúng ta gần hoại diệt! Xưa kia chúng ta không phải Sa-môn lại tự xem là Sa-môn, không phải Bà-la- môn lại tự xem là Bà-la-môn, không phải bậc A-la-hán lại tự xem là bậc A-la-hán. Nay chúng ta mới thật là Sa- môn. Nay chúng ta mới thật là Bà-la-môn. Nay chúng ta mới thật là A-la-hán".
Bạch Thế Tôn, đây là pháp truyền thống của con đối với Thế Tôn:
-"Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, đệ tử chúng Tăng của Thế Tôn khéo tu tập hành trì".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Isidatta và Purana là hai quan giữ ngựa, ăn cơm của con, đi xe của con, sinh sống do con cho, và chính con đem danh vọng lại cho họ. Nhưng họ không hạ mình đối với con như họ hạ mình đối với Thế Tôn. Thuở xưa, bạch Thế Tôn, trong khi hành quân chống với đội quân đối nghịch, và muốn thử thách Isidatta và Purana, hai quan giữ ngựa, con đến ở tại một căn nhà chật hẹp. Rồi bạch Thế Tôn, hai quan giữ ngựa, Isidatta và Purana, sau khi cùng nhau đàm luận về chánh pháp hơn nửa đêm, rồi nằm xuống ngủ, với đầu của họ hướng về phía mà họ được nghe là chỗ Thế Tôn ở và với chân hướng về chỗ con. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:
-"Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay!
Hai quan giữ ngựa Isidatta và Purana này ăn cơm của ta, đi xe của ta, sinh sống do ta cho, và chính ta đem danh vọng lại cho họ. Nhưng họ không hạ mình đối với ta như họ hạ mình đối với Thế Tôn. Thật sự những vị này ý thức được một sự tối thắng thù diệu nào trong giáo lý Thế Tôn, một sự thành đạt tuần tự".
Bạch Thế Tôn, đây là pháp truyền thống của con đối với Thế Tôn:
-"Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo giảng, đệ tử chúng Tăng của Thế Tôn khéo tu tập hành trì".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuộc dòng Sát-đế-lị, con cũng thuộc dòng Sát-đế-lị. Thế Tôn là người nước Kosala, con cũng thuộc người nước Kosala. Thế Tôn được tám mươi tuổi, con cũng được tám mươi tuổi. Vì Thế Tôn thuộc dòng Sát-đế-lị và con cũng thuộc dòng Sát-đế-lị; vì Thế Tôn là người nước Kosala, con cũng thuộc người Kosala; vì Thế Tôn được tám mươi tuổi, con cũng được tám mươi tuổi; nên con sẵn sàng hạ mình tột bực đối với Thế Tôn, và biểu lộ tình thân ái.
Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải đi, chúng con nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm.
-Thưa Ðại vương, Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

135-Đề-bà-đạt-đa, Ác phản đồ đọa Địa ngục A-tỳ.

Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) trong nhiều kiếp đã là kẻ đối nghịch với đức Phật, khi xuất gia ông tiếp tục là kẻ chống phá, luôn âm mưu hại Phật. Nghiệp nhân nặng nề như thế nên ông bị quả báo đất rút vào địa ngục.

TIẾP THEO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Bạn Đọc-Viết
BÌNH LUẬN